Một ngày của trưởng phòng quản lý chất lượng

Quản lý chất lượng là hoạt động thiết yếu cho công việc sản xuất kinh doanh của bạn, nó đảm bảo rằng sản phẩm và dịch vụ bạn cung cấp sẽ phù hợp với quy tắc thị trường, thương hiệu của bạn không bị ảnh hưởng. Vậy công việc của chuyên gia quản lý chất lượng là gì?

Dưới đây là bài viết về một ngày làm việc của Trưởng phòng quản lý chất lượng - Công ty Cổ phần bánh kẹo Kinh Đô, thành phố Hồ Chí Minh, để các bạn tham khảo.

 

4 giờ 30 sáng

 

Tỉnh dậy lúc 4 giờ 15, vậy là sớm hơn thường lệ 15 phút. Kim đồng hồ nhảy lách tách, cũng chẳng biết chính xác từ lúc nào, tôi không còn phải nhờ vào âm thanh réo rắt của nó, thứ âm thanh mà mỗi lần vang lên khiến cho người ta không thể không bật dậy như một chiếc lo xo “nhạy”. Vài động tác thể dục khiến tinh thần tôi dường như minh mẫn và sảng khoái hơn.

 

Quay về bàn làm việc với chồng tài liệu và những tập sách chuyên ngành, thật chẳng uổng công tôi đã bỏ ra hàng giờ để lùng sục trên Internet. Có lẽ một trong những điều tốt đẹp nhất từ thời sinh viên mà thôi vẫn giữ lại được cho đến bây giờ là thói quen dậy sớm đọc sách, mỗi ngày không đụng đến trang sách nào, lại thấy áy náy và có cảm giác như mình đang lãng phí thời gian. Mà đã trót gắn bó với cái nghề quản l‎ý chất lượng thì không thể thờ ơ với những thay đổi từ bên ngoài được.

 

8 giờ

 

Sau bữa sáng khá đơn giản, “bà xã” tôi bận rộn với thằng cu mới tám tháng tuổi, tôi chở cô con gái đến trường rồi mới đến công ty. Thường ngày bước vào phòng làm việc lúc 7 giờ 45, hôm nay lại trễ mất 15 phút, chắc là phải mất thêm thời gian kẹt xe ở cầu Bình Triệu.

 

Mọi người đã có mặt đông đủ và ai cũng đã bắt tay vào việc của người ấy. Cậu Tiến khệ nệ mang chồng hồ sơ đặt lên bàn, lọ mọ tìm tòi, ghi ghi chép chép. Tuấn khoác thêm chiếc áo blouse, tay bút tay sổ chuẩn bị xuống kho để theo dõi các lô nguyên liệu mới. Minh Nguyệt - nhân viên mới - mải mê tổng kết các dữ liệu vừa thu về trong mấy ngày qua…

 

Lướt một vòng trên mạng xem các thông tin thị trường và một số văn bản mới của nhà nước, đồng thời mở hộp thư để trả lời những thắc mắc, các yêu cầu hoặc đề nghị từ các nơi gửi đến, tôi đã hơi yên tâm và dường như nhẹ nhõm hơn, vì ngày hôm nay đều có những thông tin tốt đẹp. Báo cáo từ các tổ trưởng trực tiếp quản lý các dây chuyền đều ổn. Mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp.

 

9 giờ

 

Quan sát một vòng dây chuyền sản xuất mới đang vận hành chạy thử ở xưởng, xem kỹ các báo cáo kết quả theo dõi thử nghiệm của nhân viên và hướng dẫn chỉ đạo các công việc tiếp theo. Các nhân viên đang chăm chú và cẩn thận ghi chép tất cả những gì tôi nói rồi quay lại với công việc của mình. Họ gợi lại trong tôi hình ảnh của chính mình những ngày đầu mới ra trường: trẻ trung, nhiệt tình, năng động và đam mê công việc.

 

Kể cũng lạ, lúc quyết định thi vào trường đại học, tôi chỉ nghĩ rằng, quê hương Vũng Tàu của mình có tiềm năng lớn về dầu khí. Vì vậy, thi vào ngành công nghệ hoá học sẽ là quyết định đúng đắn, nếu muốn trở thành một kỹ sư hoá dầu. Nhưng, mọi việc đến với tôi thật bất ngờ. Khi nhập học, tôi mới biết, trường tôi không đào tạo chuyên ngành hoá dầu mà chỉ có các chuyên ngành khác và tôi đã quyết định chọn chuyên ngành Hoá phân tích vì lúc đó tôi nghĩ rất đơn giản, rằng ngành này chắc sẽ dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Thời sinh viên, tôi cố gắng học thêm một bằng về công nghệ thông tin, vì đây cũng là lĩnh vực mà tôi đam mê từ thuở còn là một cậu bé con.

 

Trước khi đến với công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô, tôi cũng đã từng làm việc cho một công ty về thực phẩm và sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tôi chuyển sang làm việc cho một công ty chuyên về công nghệ thông tin trong suốt ba năm. Song, dường như ba năm ấy đã khiến tôi nhận ra rằng, ngành này chưa thực sự đủ sức để níu giữ chân mình. Hình như, mình vẫn đang còn duyên nợ với ngành công nghệ thực phẩm. Tôi vẫn có cảm giác rằng, Kinh Đô chính là nơi mà tôi có thể phát huy được khả năng cũng như kinh nghiệm làm việc của mình.

 

- “Alô, tôi nghe… Vâng, tôi nhớ rồi, tôi đến ngay…” - Thư ký báo cho tôi biết đã đến giờ họp cải tiến chất lượng.

 

Tôi bước nhanh ra khỏi xưởng sản xuất để trở về văn phòng…

 

10 giờ

 

Người ta thường ví von rằng làm quản lý chất lượng giống như một người đi xe đạp. Anh ta phải đạp liên tục để xe không bị dừng lại và trong trong lúc đạp thì phải quan sát xung quanh để tránh tất cả các chướng ngại vật, các rủi ro có thể xảy ra. Trong quản lý chất lượng cũng vậy, phải cải tiến liên tục chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm thỏa mãn khách hàng và tạo thế cạnh tranh trên thị trường.

 

Cuộc họp cải tiến chất lượng theo định kỳ được bắt đầu sau khi tôi giới thiệu thành phần tham dự và nội dung cuộc họp. Minh, đại diện cho tổ quản lý chất lượng dây chuyền bánh Cracker sau khi xác định vấn đề cần cải tiến qua các số liệu thống kê, đã phân tích chi tiết các nguyên nhân và đề xuất ba phương án cải tiến của tổ.

 

Sau 15 phút thảo luận với giám đốc sản xuất, quản đốc phân xưởng cùng các thành viên tham dự cuộc họp, phân tích tính khả thi của các phương án. Và chúng tôi quyết định chọn phương án cải tiến số hai, yêu cầu Minh lập kế hoạch chi tiết cho phương án được chọn và triển khai thực hiện ngay, thống kê và báo cáo kết quả hàng tuần để đánh giá hiệu quả. Cuộc họp tiếp tục được chuyển qua phần cải tiến cho dây chuyền bánh mỳ...

 

12 giờ

 

Sau bữa cơm trưa tại văn phòng, mọi người tranh thủ ngả lưng trên những “chiếc giường” làm bằng nhiều chiếc ghế ghép lại với nhau. Vừa thiu thiu thì có cuộc gọi của sếp. Chiều nay, vào lúc 1 giờ 15, chúng tôi phải có mặt trong một cuộc họp khẩn để chuẩn bị cho một dự án đầu tư nước ngoài. Cuộc họp này lẽ ra được bố trí vào tuần sau nhưng vì một số lý do nên phải thay đổi đột xuất.

 

15 giờ 30 phút

 

Mỗi khi dự các cuộc họp quan trọng, tôi thường tắt chuông điện thoại di động, khi họp xong, thì mới biết là có đến mấy cuộc gọi nhỡ của Nhã, tổ trưởng phụ trách bộ phận kiểm tra chất lượng nguyên liệu. Tôi đi thẳng xuống bộ phận làm việc của Nhã phụ trách. Cậu ta cùng các nhân viên đang hì hục với lô nguyên liệu mới không đạt yêu cầu.

 

Đây không phải là vấn đề mới mẻ, song suốt cả tuần nay, do nhu cầu chuẩn bị hàng cho dịp ngày lễ Trung Thu nên nhà máy phải tăng ca. Tất cả chúng tôi đều phải làm việc liên tục với cường độ cao. Vì vậy, nguồn nguyên vật liệu lúc nào cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng. Thật là một bài toán khó vì đây là lô hàng phải xử l‎ý gấp để nhà máy có đủ nguyên liệu chạy trong tối nay, và lại càng không thể dùng nguyên liệu kém chất lượng để đưa vào sản xuất.

 

17 giờ

 

Giải quyết nốt các báo cáo còn tồn lại lúc sáng. Tôi với tay lấy cuốn lịch bàn và ghi vào kế hoạch công việc của ngày hôm sau: Họp với nhà cung cấp bột mỳ lúc 9 giờ 30, Chuẩn bị hồ sơ sản phẩm xuất khẩu cho khách hàng Nhật, đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm cho công nhân lúc 13 giờ 30, xem xét và phê duyệt quy trình “kiểm soát và xử lý nguyên liệu tồn kho” mới chỉnh sửa,...

 

Sắp xếp giấy tờ xong xuôi, shutdown chiếc máy tính, tôi nhẹ nhàng cởi chiếc áo blouse trắng treo vào móc áo. Rút xấp tài liệu photo trong cặp ra, mình có 20 phút để lướt qua nội dung chuyên đề Supply Chain sẽ học tại trung tâm lúc 18 giờ tối nay.

 

Theo Tuấn Phong

(Trích Đường vào nghề - Công nghệ thực phẩm)

Bwportal.com