Sóc Trăng:
Mô hình sản xuất khép kín mỗi năm "bỏ túi" vài trăm triệu đồng của cựu binh
(Dân trí) - Chỉ có khoảng 6.000m2 - 7.000m2 đất trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, người cựu binh 68 tuổi mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất và bước đầu cho hiệu quả cao, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.
Ông Đặng Hoàng Xã (SN 1953, ngụ ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trước đây gia đình có khoảng 6 - 7 công đất (một công khoảng 1.000m2) trồng lúa vốn là đất bị nhiễm phèn, năng suất không cao, thu nhập thấp nên cuộc sống gia đình khá vất vả.
Cách đây khoảng 5 - 6 năm, ông Xã đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất với mong muốn cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Đầu tiên, ông Xã nuôi trùn quế. Thức ăn cho trùn là phân bò, phân heo (lợn) có sẵn tại chỗ. Trùn quế ông bán trùn thịt cho người nuôi lươn, cá, gà, vịt,... Còn phân của trùn ông dùng bón cây trong vườn nhà và bán cho những người làm vườn có nhu cầu với giá 5.000 đồng/kg. Mỗi năm, ông bán được hàng chục tấn, mang về cho ông vài chục triệu đồng.
Sau khi có trùn quế thịt, ông đầu tư thêm mô hình nuôi lươn sinh sản trong bể lót bạt. Lươn giống ông mua loại lươn đồng do người dân đánh bắt được. Kết quả, ông có khoảng 6.000 con lươn giống, mỗi năm cho ra đời khoảng 100.000 lươn con giống.
Với giá lươn giống từ 5.000 đồng - 8.000 đồng/con tùy loại. Sau khi trừ chi phí, lươn giống cho ông Xã thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Thành công mô hình nuôi lươn, ông Xã tiếp tục đầu tư nuôi khoảng 100 con rắn ri voi sinh sản trong bể lót bạt. Thức ăn cho rắn là cá được ông nuôi trong mấy mương nước khi lên liếp làm trại nuôi lươn. Ngoài ra, những con lươn không đạt tiêu chuẩn bán lươn giống được ông tận dụng làm thức ăn cho rắn.
Dù mới nuôi rắn chưa lâu nhưng mỗi năm ông Xã thu nhập thêm từ nguồn bán rắn con giống được khoảng 20-30 triệu đồng.
Nguồn phân trùn quế nhiều, ông lại sử dụng vào việc trồng hàng trăm cây đu đủ trên diện tích khoảng 5.000m2 đất. Hiện nay, những cây đu đủ này đang ở giai đoạn phát triển tốt, một số cây bắt đầu ra trái. Dự tính vườn đu đủ này thời gian tới sẽ mang về cho ông khoảng 60-70 triệu đồng.
Tận dụng mương nước trong vườn, hiện nay ông Xã đã thử nghiệm nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) để tăng thêm thu nhập. Theo ông Xã, ốc bươu đen đẻ quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6 - 11 hàng năm. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước. Sau vài ngày vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần.
Khoảng 5 - 6 tháng tuổi, ốc trưởng thành có thể thu hoạch, khoảng 25 - 30 con/kg. Thức ăn cho ốc là lá, trái đu đủ không đạt tiêu chuẩn, cỏ, bèo,... Hiện nay, ốc bươu đen đang được thị trường ưa chọn vì ngon, nhiều thịt. Giá cả khá hấp dẫn, khoảng từ 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg, nên trong tương lai gia đình ông sẽ có thêm khoản thu nhập từ ốc bươu đen.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: "Mô hình sản xuất của ông Đặng Hoàng Xã là một mô hình rất có hiệu quả, có thể xem là mô hình VAC khép kín. Hiện tại người cựu chiến binh này đang nuôi với quy mô lớn, hình thức gia trại, gồm 4 trại trùn quế, 2 bể nuôi rắn, 10 bể lót bạt nuôi lươn sinh sản và hàng ngàn m2 ao nuôi cá, ốc bươu đen. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình sản xuất này và sẽ nhân rộng ra ở nhiều hộ khác trong huyện".
Ông Đặng Hoàng Xã chia sẻ: "Là một người lính từng tham gia chiến đấu chống Mỹ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính, trở về địa phương, tôi cũng mang theo khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương mình và bước đầu đã thành công.
Tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nuôi trùn quế, nuôi lươn, nuôi rắn miễn phí cho bà con có nhu cầu với mong muốn mọi người cùng nhau thoát nghèo, làm giàu ngay trên quê hương mình".