Sóc Trăng: Chị em thoát nghèo nhờ chung tay hùn vốn kinh doanh, trồng màu
(Dân trí) - Những năm qua, phụ nữ ở nhiều địa phương Sóc Trăng đã có sự nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, trong đó tham gia có hiệu quả các mô hình hùn vốn mang lại thu nhập ổn định.
Hội Phụ nữ xã Đại Hải (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có hơn 1.540 hội viên. Thời gian qua, Hội luôn xem phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Theo chị Nguyễn Thị Lụa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hải, Hội có nhiều mô hình phát triển kinh tế, như: Mô hình "Tổ phụ nữ hùn vốn kinh doanh", mô hình "Tổ phụ nữ trồng màu"... Qua một thời gian hoạt động, các mô hình góp phần nâng cao đời sống, từ đó hội viên nghèo giảm, vươn lên khá giàu, có cuộc sống ổn định.
Hùn vốn để kinh doanh
Mô hình "Tổ phụ nữ hùn vốn kinh doanh" ấp số 1 được thành lập nhiều năm nay, với 24 thành viên. Ban đầu, mỗi chị góp vốn 50.000 đồng/tháng/người và hiện nay là 500.000 đồng/tháng. Mỗi tháng, một người được nhận vốn thông qua hình thức bốc thăm công khai.
Tập thể đều xem xét và ưu tiên cho những chị em khó khăn nhận vốn trước. Nguồn vốn này chủ yếu chị em sử dụng đầu tư vào việc sản xuất kinh doanh, mua bán nhỏ…
Ngoài ra, thành viên khi được nhận vốn sẽ đóng góp để làm quỹ tổ, hiện tại là 100.000 đồng/người. Nguồn quỹ này sẽ dùng chi cho các kỳ sinh hoạt tổ, thăm viếng hội viên các dịp lễ, tết, ốm đau…
Chị Nguyễn Thị Nữ, Tổ trưởng mô hình "Tổ phụ nữ hùn vốn kinh doanh" cho biết, nhờ có nguồn vốn từ mô hình, chị đã mạnh dạng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất sương sáo. Mỗi ngày, gia đình chị làm ra khoảng 180 ổ sương sáo và bỏ mối tại các quán cà phê, trường học, với giá bán lẻ 5.000 đồng/ổ.
Sương sáo là một dạng thạch, làm từ cây sương sáo phơi khô xây nát rồi nấu trong nước, để nguội đông đặc lại có màu đen tuyền, dùng ăn rất mát.
Nhờ làm ngon, giá bán hợp lý nên mỗi ngày chị Nữ đều tiêu thụ hết. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Nữ thu lãi 490.000 đồng/ngày. Một năm, chị tích lũy hơn 176 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này mà cuộc sống gia đình 5 nhân khẩu rất ổn định. Chị Nữ cũng yên tâm tham gia hoàn thành tốt công tác Hội phụ nữ.
"Không riêng gì tôi, nhờ tham gia vào tổ hùn vốn kinh doanh mà nhiều chị em phụ nữ ấp số 1 có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ lo cho gia đình mà chúng tôi còn thực hiện các phong trào địa phương phát động, như đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các trường hợp hộ nghèo khác", chị Nữ chia sẻ.
Chị Nguyễn Kim Liên (hội viên phụ nữ ấp Số 1) cho biết: "Tôi nhận được tiền góp vốn mười mấy triệu đồng, tôi mua phân, thuốc chăm sóc vườn và chăn nuôi. Tham gia vào Hội, tôi còn được chị em hướng dẫn xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng dẫn cách làm ăn rất hiệu quả".
Đến mô hình hùn vốn trồng màu
Ở Chi hội Phụ nữ ấp Mang Cá (xã Đại Hải) tiêu biểu có mô hình "Tổ phụ nữ hùn vốn trồng màu". Mô hình này hiện có 25 thành viên tham gia, nguồn vốn góp ban đầu 50.000 đồng/tháng/người và nay tăng lên 200.000 đồng/tháng.
Ngoài cây lúa, để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, tận dụng bờ bao quanh ruộng lúa, chị em phụ nữ tổ chức trồng luân canh các loại rau màu, như: Khổ qua, dưa leo, đậu các loại, cải các loại, ớt, bầu, bí… Để chủ động nguồn nước tưới cho cây màu, mỗi năm các chị trồng 3 vụ màu tương ứng với 3 vụ lúa.
Trung bình các thành viên của tổ trồng màu trên phần đất chiều dài từ 260m đến 520m. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận bình quân từ 30 triệu đồng/260m/năm. Với nguồn thu nhập này, cộng với nguồn thu từ cây lúa và thu nhập khác, mà đời sống hội viên phụ nữ cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Xuân (một hội viên) cho biết: "Một năm tôi trồng được 3 vụ, mỗi lần trồng nhiều loại màu như khổ qua, dưa leo, bắp... Sau mỗi vụ, trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 10 triệu đồng, có năm lời từ 20 - 30 triệu đồng".
Thực tế cho thấy, hùn vốn xoay vòng là mô hình không mới, nhưng hiệu quả đem lại rất thiết thực. Mặc dù số tiền góp vốn không lớn, nhưng đã giải quyết nhiều khó khăn cho gia đình hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, còn hạn chế được tình trạng chị em phải đi vay mượn bên ngoài với lãi suất cao mà rủi ro lớn.
Việc vay vốn được các tổ góp vốn xoay vòng thực hiện nhanh gọn và các hội viên cũng chỉ chịu lãi suất rất thấp. Qua đó, tạo động lực giúp chị em phụ nữ vững tin, phấn đấu làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, nâng cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tiết kiệm giữa các hội viên, để giúp nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ vững mạnh.