1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Máu đào các liệt sĩ đã nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc”

(Dân trí) - Sáng 26/7, Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2017 đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút 700 đại biểu từ mọi miền Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự hội nghị và tặng bằng khen tới các đại biểu người có công.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi đến dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2017 - sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long - Đông Đô, hồn thiêng sông núi, vang vọng lời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng trân trọng gửi những tình cảm sâu nặng và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Tại Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá những thành quả có được từ nền độc lập, sự thống nhất, cuộc sống hòa bình và ấm no, Thủ tướng không quên nhắc nhớ về sự hy sinh to lớn của hàng triệu người con ưu tú đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương, trí tuệ, công sức, tài sản cho sự nghiệp cách mạng cao cả.

Clip: Thủ tướng trao bằng khen tới các đại biểu dự Hội nghị

“Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói, máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hi sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Đạo lý uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đặt nền móng cho chính sách người có công và chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc, nay là Ngày Thương binh liệt sĩ” - Thủ tướng nói.

Đối với công tác chăm sóc người có công, Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả của các phong trào đền ơn đáp nghĩa, với nhiều nội dung thiết thực như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa; nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng...

Các hoạt động này tiếp tục làm sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.


Thủ tướng trao bằng khen tới đại diện người có công dự Hội nghị.

Thủ tướng trao bằng khen tới đại diện người có công dự Hội nghị.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng mà trong đó có 700 đại biểu có mặt tại Hội nghị. Đây là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta” - Thủ tướng chia sẻ.

Cũng tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn bày tỏ những trăn trở trong công tác thực hiện chính sách người có công: “Chúng ta chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi. Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta”.


Đại diện nhiều ban, bộ ngành tới dự Hội nghị

Đại diện nhiều ban, bộ ngành tới dự Hội nghị

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công, trong đó tập trung vào nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công; Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.


Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong năm 2017.

Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong năm 2017.

Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý các cấp bộ, ngành và địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.

Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng cần phát triển sâu rộng và có hiệu quả hơn nữa các phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'', ''Uống nước nhớ nguồn'', "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng''…. Ngoài ra, việc động viên, biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được thực hiện thường xuyên và kịp thời hơn nữa.

Tin liên quan:

Năm 2020: Phấn đấu 100 % gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, mục tiêu tổng quát cần phấn đấu giai đoạn 2017- 2020, là: Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

“Máu đào các liệt sĩ đã nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc” - 5

Trong đó, tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, phấn đấu đến năm 2020, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9 triệu người, gồm: 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2007-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 46 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.524 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 133.321 sổ với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng…Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận và công nhận 585 liệt sĩ trong số hồ sơ tồn đọng, xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

H.M

Hoàng Mạnh