1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Mỗi hồ sơ tồn đọng được xác nhận liệt sĩ là niềm hạnh phúc của chúng ta”

(Dân trí) - “Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng chúng ta luôn day dứt với hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính. Bởi vậy, mỗi trường hợp tồn đọng được xác nhận liệt sĩ sẽ làm vơi đi phần nào nỗi mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ”.


Hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào.

Hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận xét về công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, tại Lễ trao 498 bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện các gia đình thân nhân liệt sĩ chiều 18/7 tại Hà Nội. Chương trình là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ.

Thưa Bộ trưởng, đất nước đã trở về thời bình được hơn 30 năm, vậy tại sao tới hiện nay, công tác xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng nói chung và thương binh, liệt sĩ nói riêng vẫn còn là điểm nóng?

- Đến nay, các cơ quan chức năng đã xác nhận được trên 9 triệu người có công với cách mạng. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận một thực tế, trải qua các thời kỳ kháng chiến lâu dài, nhiều cá nhân và cơ quan quản lý thay đổi, không còn lưu giữ được hồ sơ.

Bản thân các quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cũng không bao giờ nghĩ đến việc chuẩn bị giấy tờ riêng và cũng không giữ được giấy tờ gốc...

Cả nước có trên 9 triệu người có công với cách mạng.

Trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận. (Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Trong khi đó, dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết nỗ lực nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức. Nhưng nỗ lực này vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn.

Nguyện vọng của người có công và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.

Đây là một điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

Với các trường hợp người có công với cách mạng còn tồn đọng trong nhiều năm, Bộ trưởng từng trăn trở “nếu không giải quyết đột phá thì không bao giờ có thể trả lời cho người dân được”, vậy Bộ LĐ-TB&XH đã có giải pháp gì để giải quyết những trường hợp này?

- Xuất phát phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng.

Năm 2016 được Bộ xác định đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.

Theo đó, Bộ triển khai thí điểm tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) qua đó rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả đợt thí điểm trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Căn cứ kết quả triển khai thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận số 607/TB-TTKQH và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP.


Lễ an táng 104 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào, tháng 5/2017.

Lễ an táng 104 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào, tháng 5/2017.

Qua đó chỉ đạo tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an.

Quy trình này gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm, quy định về hồ sơ tồn đọng cụ thể hơn; các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xác định gen và trả lại danh tính hơn 3.000 liệt sĩ

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong số 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy chủ yếu tập trung nhiều ở phía bắc, miền Trung, miền Nam và tại nước bạn Lào, Campuchia. Từ đầu năm 2017 tới nay, các đội quy tập liệt sĩ đã đưa về nước hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ. Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đang cùng các Bộ, ngành liên quan thực hiện giải pháp xác định gen. Riêng năm 2016, thông qua việc xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và mẫu tương đương của gia đình, qua đó giúp trả lại danh tính cho hơn 3.000 liệt sĩ.

Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo quy trình giải quyết tồn đọng nói riêng, tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Chính phủ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ.

Thưa Bộ trưởng, việc xử lý những hồ sơ tồn đọng hàng chục năm đòi hỏi những nỗ lực gì? Cơ quan chức năng đã gặp những khó khăn gì khi triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công?

- Để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Đặc biệt là vai trò rất quan trọng của các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu. Để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn để xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng.

94 cụ đã hy sinh từ thời chống Pháp được công nhận liệt sĩ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Trong số 498 liệt sĩ được trao bằng công nhận hôm 18/7, có 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì. Cơ quan chức năng đã xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân, qua đó đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ. Các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận và còn rất nhiều những trường hợp cá biệt khác".

Công tác xử lý những hồ sơ tồn đọng từ nhiều năm đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những câu hỏi về tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn?

Điều này đòi hỏi các địa phương phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. Có nơi như tỉnh Long An, Vĩnh Long, An Giang phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ.

Có trường hợp để công nhận liệt sĩ hôm nay, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại 3 quân khu, 4 địa phương. Những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận.

Tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương. Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp…

Hồ sơ tồn đọng của cả nước vẫn còn nhiều, từ kết quả của đợt trao xác nhận hồ sơ người có công vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH xác định vừa làm, vừa điều chỉnh để phấn đấu hoàn thành lời cam kết với nhân dân là năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và lực lượng quân đội, công an. Trước mắt, Bộ sẽ tập trung cao độ cho xét duyệt đợt 02/9 và 22/12/2017. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.

Những kết quả công bố dù chưa nhiều nhưng là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của các thế hệ đi sau - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng

Hoàng Mạnh thực hiện

Tin vắn:

Kiểm tra công tác người cao tuổi tại Hưng Yên

Ngày 4/7/2017, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã có buổi làm việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Trao đổi với đoàn công tác, đại diện Sở LĐ - TB&XH tỉnh Hưng Yên, cho biết: Đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có trên 150.000 người cao tuổi, sinh hoạt ở 1.028 chi hội thuộc 161 cơ sở hội. Số người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 34.180 người, trong đó có 977 người thuộc hộ gia đình nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa; 29.421 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, được trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; 3.782 người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Luật Người khuyết tật. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và người dân về Luật Người cao tuổi cũng như các văn bản liên quan, Sở LĐ- TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng năm tiến hành lắp đặt căng treo nhiều panô truyền thông và băng rôn tuyên truyền nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi trên các tuyến đường chính và khu dân cư trên địa bàn.

H.H

Ký kết hợp tác Bộ LĐ-TB&XH và Hội Chữ thập đỏ VN

Ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH và Hội Chữ thập đỏ VN đã tổ chức đánh giá giai đoạn hợp tác từ năm 2013-2016 và ký kết hợp tác giai đoạn năm 2017-2020.

“Mỗi hồ sơ tồn đọng được xác nhận liệt sĩ là niềm hạnh phúc của chúng ta” - 3

Giai đoạn 2013-2016, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ, như: Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ cho trên 1,486 triệu lượt người, với tổng trị giá trên 218 tỉ đồng các hỗ trợ: Khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, cung cấp các vật dụng; Hội chữ thập đỏ đã triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Hội đã vận động, trao tặng 9,77 triệu suất quà cho 9,77 triệu lượt hộ hưởng lợi với trị giá trên 3.464 tỉ đồng. Về đào tạo nghề và tạo việc làm, Hội đã triển khai dạy nghề cho trên 1.500 người khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành; phối hợp với các Trung tâm phục hồi chức năng khám, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trên 4.000 lượt người khuyết tật…Giai đoạn 2017-2020, hai bên định hướng nhiều hoạt động chính, như: Phối hợp tuyên truyền các giá trị nhân đạo, giáo dục truyền thống nhân ái của dân tộc; phối hợp tổ chức hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, đào tạo nghề cho người khuyết tật và lao động xuất khẩu; tổ chức vận động nguồn lực cho các hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng.

L.M