Mất việc oan uổng vì công ty “thay đổi cơ cấu”

NLĐ làm việc lâu năm ở Cty, họ không vi phạm kỉ luật, luôn hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn bị Cty cho nghỉ việc với lý do “thay đổi cơ cấu”.

3 nhân viên Cty Hansoll Vina bị công ty cấm cửa rồi chấm dứt HĐLĐ.

3 nhân viên Cty Hansoll Vina bị công ty cấm cửa rồi chấm dứt HĐLĐ.

“Điều 44 nói về nghĩa vụ của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với NLĐ, trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do thay đổi kinh tế, nhưng Cty lại dùng điều này để chấm dứt HĐLĐ với chúng tôi”, anh Lê Văn Tuấn - nguyên CN Cty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1, Dĩ An, Bình Dương) - trình bày.

Đột ngột ra đường

Anh Lê Văn Tuấn, Lê Văn Huynh và Lê Văn Hạnh được Cty HanSoll Vina ký HĐLĐ không xác định thời hạn làm nhân viên bảo trì điện lạnh. Tới ngày 26.1, Cty mời 3 nhân viên này lên văn phòng để họp về việc sẽ cho họ nghỉ việc với lý do “Cty thay đổi cơ cấu”. Việc thực hiện bảo trì, sửa chữa máy lạnh sẽ được tổng giám đốc giao cho 2 đơn vị bên ngoài đảm nhiệm.

Ngày 7.3, Cty ra thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, từ ngày 9.3, Cty “cấm cửa”, không cho 3 anh vào Cty. NLĐ kêu cứu khắp nơi, CĐ KCN Bình Dương tổ chức hòa giải nhưng không thành, ngày 20.4, giám đốc Yoon Tae Ha đã ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với 3 NLĐ.

Anh Huynh trình bày, Cty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NLĐ theo Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 về việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do “thay đổi cơ cấu”, nhưng các anh không chấp nhận lý do này. “Từ nhiều năm qua, Cty vẫn thuê DN bên ngoài vào làm dịch vụ bảo trì máy móc cho Cty. Các nhân viên của Cty vừa bảo trì máy vừa giám sát việc này.

Thế nhưng, từ đầu năm 2015, Cty thông báo toàn bộ việc bảo trì giao cho DN bên ngoài nên chúng tôi nghỉ việc và đó là “thay đổi cơ cấu”. Theo tính toán, dù cùng công việc nhưng chi phí mà Cty giao cho DN bên ngoài của còn cao gấp mấy lần số lương Cty trả cho 3 người chúng tôi. Thay đổi cơ cấu gì kỳ vậy?”, anh Huynh nói.

Cũng đột ngột ra đường vì Cty “thay đổi cơ cấu”, anh Mai Phước Tiến - nhân viên marketing thuộc Phòng marketing tổng hợp thuộc ngân hàng TMCP B.V (quận 1, TPHCM) - trình bày: “Tôi không vi phạm kỉ luật, năm trước được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thì năm sau bị điều chuyển 6 tháng làm “nhân sự chờ phân công”, các phương tiện làm việc cá nhân từ máy tính, email nội bộ đều bị thu lại. Rồi ngân hàng ra quyết định chấm dứt HĐLĐ của tôi với lý do “thay đổi cơ cấu”.

Sau đó, tôi không nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp nào. Điều đó rất bất công!”. Đáng nói, sau khi anh Tiến bị cho nghỉ việc thì ngân hàng đã tuyển nhân sự mới vào thay vị trí của anh.

Người lao động không còn biết tin vào đâu!

Trao đổi với PV, giám đốc Marketing & PR của ngân hàng lại cho rằng: Từ trước khi gửi quyết định điều động anh Tiến về Phòng nhân sự, Phòng marketing đã cho anh Tiến nhiều cơ hội thể hiện năng lực bản thân nhưng anh Tiến không đạt yêu cầu công việc. Theo vị này, do thay đổi cơ cấu nên yêu cầu công việc, chất lượng nhân viên trong phòng cao hơn. Cần người kiêm nhiệm được nhiều mảng chuyên môn PR, ngoại ngữ…

Trong khi đó, anh Tiến chỉ chuyên sâu vài lĩnh vực kênh truyền thống còn một số kênh khác và ngoại ngữ thì hạn chế. “Vậy thì cho tôi nghỉ việc vì năng lực tôi yếu kém hay ngân hàng thay đổi cơ cấu? Lý do ngân hàng đưa ra để chấm dứt HĐLĐ với tôi là bất nhất”, anh Tiến trình bày.

“Năm 2013, Cty lấy lý do sắp xếp lại một số bộ phận nên một tài xế có thâm niên 11 năm bị mất việc. Để làm đúng luật, DN bố trí làm bốc xếp nhưng NLĐ tuổi đã cao, không đủ sức khỏe nên anh này không đồng ý. Anh không đồng ý thì DN cho anh nghỉ việc. Bị mất việc, anh tài xế đến các cơ quan chức năng để nhờ tư vấn và quyết định kiện DN ra tòa. Ở phiên sơ thẩm, tòa khẳng định NLĐ đúng.

Tuy nhiên, ở phiên phúc thẩm, tòa lại xử phần thắng thuộc về DN. Hai tháng trầy trật đi kiện, rốt cuộc NLĐ vẫn về tay trắng. Phán quyết trái chiều của tòa khiến NLĐ nản lòng và mất niềm tin vào cơ quan chức năng”, bà Trịnh Thị Thanh Hằng - Chủ tịch CĐ Cty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương) - bày tỏ.

Cần ngăn chặn DN lợi dụng Điều 44 BLLĐ để chấm dứt HĐLĐ tùy tiện. “Việc thay đổi cơ cấu, công nghệ là nhằm mục đích giúp DN đạt hiệu quả cao hơn, tốt hơn trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Khi thay đổi cơ cấu bằng máy móc thiết bị mới, công nghệ mới, quy trình làm việc mới thì đòi hỏi NLĐ phải đáp ứng trình độ mới phù hợp với thay đổi mới do đó trước hết DN phải đào tạo lại chính đội ngũ NLĐ của mình để đáp ứng công nghệ mới đó, vì NLĐ đã gắn bó với DN, cùng đồng cam cộng khổ với DN… và họ hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của họ đối với DN, đối với việc thay đổi nâng cao công nghệ để đạt hiểu quả tốt hơn. Đó là ý nghĩa nhân văn của quy định Điều 44 Bộ luật Lao động. Nếu việc thay đổi công nghệ, mà NLĐ mất việc làm, hiệu quả thấp hơn hoặc hậu quả thay đổi lại khiến DN tốn kém hơn hoặc thay đổi NLĐ này bằng một NLĐ khác nhưng quy trình làm việc vẫn như cũ thì việc thay đổi công nghệ này không phù hợp với Điều 44", luật sư Hồ Nguyên Lễ - VP Luật Tín Nghĩa, TPHCM - nói.

 


Theo Laodong.com.vn