Mất chân, hỏng mắt khi làm việc: Cảnh báo nhức nhối về an toàn lao động
(Dân trí) - Phải ngồi xe lăn và vĩnh viễn mất một chân sau khi bị tai nạn lao động, câu chuyện của anh Nguyễn Trường Văn một lần nữa nhắc nhở doanh nghiệp và người lao động về vấn đề an toàn tại nơi làm việc.
Chiều 26/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cùng đoàn công tác của Bộ đã đến thăm hỏi, trao quà và động viên hai nạn nhân bị tai nạn lao động tại tỉnh Thái Nguyên. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương cùng đoàn công tác của Bộ Nội vụ đến hỏi thăm gia đình nạn nhân (Ảnh: Minh Thắng).
Một năm sau tai nạn bị xe nâng cán tại nơi làm việc, anh Nguyễn Trường Văn, trú tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, vẫn phải ngồi xe lăn và duy trì việc tập vật lý trị liệu hàng ngày với sự hỗ trợ từ gia đình.
Tại buổi thăm hỏi, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh khó khăn của anh Văn.
"Đây là điều không ai mong muốn nhưng tương lai vẫn còn phía trước. Tôi mong rằng cháu và gia đình giữ vững tinh thần, từng bước phục hồi sức khỏe, sống đúng với tinh thần "tàn nhưng không phế". Dù không thể tiếp tục công việc cũ, nhưng vẫn có thể phát huy những khả năng khác của bản thân", Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương nhắn nhủ.
Dù sự việc đã xảy ra hơn một năm, anh Văn cho biết vẫn chưa nguôi ám ảnh. Anh coi đây là bài học sâu sắc về an toàn lao động, không chỉ với bản thân mà còn dành cho tất cả người lao động và cả người sử dụng lao động.
"Chỉ một chút sơ suất có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi mong mọi người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các quy định an toàn tại nơi làm việc. Sự chủ quan, dù rất nhỏ, cũng có thể khiến ta mất tất cả", anh nói.

Anh Văn chỉ còn một chân sau tai nạn, ám ảnh về chuyện đã xảy ra (Ảnh: Minh Thắng).
Anh Phan Thanh Chỉnh, nhân viên an toàn tại Nhà máy Huali Việt Nam - nơi anh Văn từng làm việc - cho biết: "Do một số yếu tố khách quan, lúc đó anh Văn cần nhờ người khác hỗ trợ nên rời vị trí làm việc. Không may khi ra ngoài, anh bị xe nâng vô tình cán trúng".
Đại diện công ty cho hay, sau khi anh Văn điều trị xong, sẽ tiến hành giám định thương tật để anh được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của công ty và pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ bố trí cho anh một công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe.
"Sau sự cố, công ty đã tổ chức đào tạo lại toàn bộ đội ngũ lái xe nâng. Thực tế, việc đào tạo đã được triển khai trước đó, tuy nhiên vụ việc của anh Văn xuất phát từ những yếu tố khách quan trong quá trình vận hành. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường giám sát tại từng khu vực làm việc nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động", anh Chỉnh nói thêm.
Trường hợp thứ hai được đoàn công tác đến thăm là anh Vũ Anh Tuấn, công nhân tiện của Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1.
Anh Tuấn gặp tai nạn khi phần lò xo của kẹp tốc bị hỏng, khiến phôi không được truyền động quay từ động cơ mà quay theo đá mài. Với tốc độ khoảng 1.400 vòng/phút, trục phôi văng mạnh vào bảng điều khiển, rồi bật ngược trở lại, đập vào vùng mắt của anh Tuấn. Nhắc lại vụ việc xảy ra hồi tháng 11 năm ngoái, gia đình anh vẫn chưa hết bàng hoàng.
"Ban đầu cứ tưởng chỉ là mảnh nhỏ tạt vào mặt, tôi còn nghĩ không nghiêm trọng. Nhưng khi đồng nghiệp hốt hoảng đưa chồng vào viện, máu chảy khắp sàn, tôi khóc không còn nước mắt", vợ anh Tuấn kể.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ trao quà cho anh Vũ Anh Tuấn (Ảnh: Minh Thắng).
Vết thương làm tổn hại nghiêm trọng vùng mắt trái và thái dương bên trái, với tỷ lệ thương tật được giám định là 38%.
"Hiện tại tôi chỉ có thể nhìn rõ bằng một bên mắt. Mắt bị thương luôn có cảm giác như có nước chảy bên trong, không lúc nào dễ chịu. Cảnh vật xung quanh nhìn mờ ảo, rất khó chịu", anh Tuấn chia sẻ.
Từ những vụ tai nạn đáng tiếc, lãnh đạo Bộ Nội vụ và Cục Việc làm nhấn mạnh: An toàn lao động là trách nhiệm chung của toàn xã hội - từ người lao động, doanh nghiệp đến cộng đồng xung quanh.
Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quy định an toàn phù hợp với đặc thù sản xuất và môi trường làm việc. Bên cạnh đó, công tác giám sát, đào tạo và tuyên truyền thường xuyên về các quy định an toàn là yêu cầu bắt buộc. Người lao động cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, tránh chủ quan trước các nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình làm việc.