1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Màn "múa" dao triệu view của chủ quán chả cá ngày bán hơn 200 ổ bánh mì

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Không chỉ thu hút khách hàng bởi hương vị của món chả cá được ướp sẵn theo công thức riêng, anh Phong còn khiến thực khách mãn nhãn với kỹ thuật cắt chả cá độc lạ của mình.

Đi ngang đoạn đường Đặng Nguyên Cẩn, quận Tân Phú, TPHCM mỗi ngày, ai cũng từng bị hấp dẫn bởi mùi thơm từ xe chả cá của gia đình anh Phong. Hơn hết, khách hàng còn được chiêm ngưỡng kỹ thuật cắt cá "đỉnh cao" do chính anh thử nghiệm, áp dụng.

Màn múa dao triệu view của chủ quán chả cá ngày bán hơn 200 ổ bánh mì - 1

Màn cắt chả cá mãn nhãn của ông chủ miền Tây khiến cư dân mạng thích thú (Ảnh cắt từ clip, nguồn S.F).

Hàng chả cá của anh Phong nổi tiếng trên mạng xã hội đã lâu nhưng trong những video clip triệu "view" (lượt xem - PV) chưa từng thấy được mặt của ông chủ. "Tôi ngại lắm, buôn bán vì đam mê thôi chứ không muốn nổi tiếng", anh Phong cười xòa giải thích.

Đúng 6h sáng mỗi ngày, anh cùng vợ, con trai chia nhau ra bán ở 3 điểm trên địa bàn thành phố. Bán từ 6h tới 12h, công việc tạm dừng, cả gia đình sẽ về nghỉ ngơi, đến 16h mở hàng bán tiếp đến 19h là kết thúc.

Tại đây, chả cá được chia làm 2 loại là cá thường và cá thu. Đối với cá thường, anh bán 10.000 đồng/lạng, còn cá thu, anh đặt mua nguyên liệu và chế biến theo bí quyết riêng nên được bán với giá đắt hơn, 15.000 đồng/lạng.

Đa phần, khách hàng sẽ mua bánh mì chả cá giá 15.000 đồng. Món bánh mì cá nghe lạ lạ được anh Phong chế biến cùng các loại rau, dưa, ớt,… Nếu khách hàng thấy thích, anh sẽ nhét chả cá vào khổ qua, cà, ớt... rồi chiên lên, ăn rau mà giòn rụm.

Đến nay, từ món bánh mì chả cá, anh Phong đã phát triển được 3 xe trên khu vực TPHCM. Mỗi ngày, anh chuẩn bị khoảng 60kg chả cá cho cả 3 xe, bán trung bình hơn 200 ổ bánh mì/ngày.

Trước đây, anh Phong từ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang lên TPHCM lập nghiệp. Ban đầu, anh bán trái cây ở chợ nhưng do quá ế ẩm nên từ năm 2019, anh chuyển sang phụ vợ bán chả cá.

"Lúc đó vợ tôi bán theo kiểu truyền thống nên khá ít người biết đến. Thấy vậy, tôi mới học trên mạng cách cắt chả cá trên dao rồi tự luyện. Thời gian đầu còn chưa quen nhưng khi quen tay rồi thì việc này giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị, bán được nhiều hàng hơn, khách hàng tới xem lúc chờ mua cũng thích thú, hào hứng hơn", anh Phong chia sẻ.

Chỉ trong khoảng 2 năm chuyển nghề, gia đình anh đã có thể mở thêm 2 xe chả cá khác tại chợ Bình Trị Đông và đường Lê Đình Cẩn, phục vụ thêm nhiều thực khách hơn. Anh Phong chia sẻ, xa quê lập nghiệp ở thành phố, gia đình anh đã trải qua không ít khó khăn.

"Buôn bán hàng rong nên nhiều lúc nắng, mưa không nói trước. Công việc thức đêm, dậy sớm cũng mệt mỏi, vất vả lắm. Nhưng đây là cái nghề mình chọn, là miếng cơm cho cả gia đình nên phải cố gắng. May mắn là vợ con đều hợp sức bán nên cả nhà chúng tôi có động lực để cố gắng, phát triển công việc", anh Phong bộc bạch.