Cầm 2 triệu mở xe bánh mì, chàng trai bán cả triệu ổ bánh mỗi tháng
(Dân trí) - Từ xe bánh mì đầu tiên, hai chàng sinh viên trường kinh tế đã mạnh dạn khởi nghiệp, mở được 500 điểm bán trên toàn quốc.
Quyết tâm "ra đời" sớm
Rời quê vào TPHCM học tập, anh Hồ Đức Hải (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng như bao sinh viên khác, đều ấp ủ cho riêng mình một ước mơ sống "lớn". Vốn là một sinh viên ngành Quản trị kinh doanh ở trường Đại học Kinh tế, "lửa" khởi nghiệp trong anh dường như bùng cháy vào giai đoạn sắp ra trường.
Năm 2013, khi là sinh viên năm 3, anh Hải quyết định cầm 2 triệu đồng dành dụm, mở xe bán bánh mì chả cá ngay trước cổng trường mà mình theo học.
"Còn là sinh viên nên thiếu thốn đủ thứ, tôi chỉ muốn kiếm thêm chút thu nhập để trang trải cuộc sống. Bánh mì cũng là thức ăn quen thuộc với nhiều người. Làm bánh mì cũng không quá khó, lại dễ ăn nên tôi quyết định chọn món này để bán", anh Hải kể.
Thời gian đầu mở bán, anh Hải gặp không ít khó khăn vì gia đình không mấy ủng hộ con đường lập nghiệp nhiều rủi ro này. Không những thế, công thức làm bánh mì, nêm nếm gia vị cho đến cách quản lý trong ngành dịch vụ dường như quá mới mẻ với chàng sinh viên nghèo.
"Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản bán bánh mì cũng là một công việc làm thêm thôi. Bản thân phải thật kiên trì, nhẫn nại trong bất cứ việc gì thì mới mong thành công. Lúc mới mở bán cũng được nhiều thầy cô, bạn bè ủng hộ, tôi lấy đó làm động lực để cố gắng", anh Hải nói.
Để nhanh chóng tìm nguồn hàng tốt, chàng trai quê Hà Tĩnh tận dụng những thứ có sẵn ở quê nhà, anh bộc bạch: "Sinh ra ở miền Trung đầy nắng và gió, lớn lên ở vùng biển Vũng Tàu, tôi cũng sớm yêu những gì thuộc về biển. Vì vậy tôi đã tận dụng nguồn chả cá tươi ngon ở quê gửi lên làm nguyên liệu chính, làm ra bán với giá 10.000 đồng".
Mỗi khi nhắc đến tên thương hiệu, anh Hải bật cười vì ý nghĩa đằng sau. Là một cán bộ Đoàn - Hội, chàng trai luôn có thói quen hỗ trợ, chăm sóc và giúp đỡ bạn bè nên được mọi người yêu thương, đặt cho cái tên "má Hải". Từ đó, anh quyết lấy biệt danh đặc biệt ấy làm thương hiệu đồng hành đến bây giờ.
Sau 4 tháng từ xe bánh mì đầu tiên, anh Hải quyết định mở thêm một xe bánh mì khác, đầu tư thêm nhân viên, đồng phục, mũ, tạp dề,… để tạo dựng thương hiệu, kinh doanh một cách chuyên nghiệp hơn.
Đến năm 2015, thương hiệu của anh đã gặt hái được 8 xe bánh mì, nhiều người đi trên đường cũng quen thuộc hơn với các xe bánh mì có màu cam nổi bật, bắt mắt.
Thiết nghĩ cần người bạn đồng hành, chàng trai đã ngỏ ý cùng anh Đoàn Văn Minh Nhựt (29 tuổi, quê An Giang) để từng bước phát triển thương hiệu. Thời điểm đó, dù đang làm việc tại một công ty đa quốc gia, anh Nhựt không ngần ngại bỏ ngang, nhanh chóng tham gia vào dự án táo bạo này vì quá yêu thích món bánh mì.
"Khởi nghiệp nên phải chịu khó hơn nhiều bạn khác một chút, sáng nào cũng phải dậy lúc 4h. Ở ký túc xá thấy các bạn khác vẫn còn ngủ mà mình phải dậy đi làm nên cảm giác hơi chạnh lòng. Có ngày chỉ hơn 20 ổ thôi, nhiều bữa trời mưa gió, bán ế tới mức phải ăn bánh mì thay cơm", anh Nhựt kể.
Từ xe bánh mì nhỏ, đến 500 điểm bán toàn quốc
Theo anh Nhựt, cả hai luôn trăn trở trong việc điều chỉnh hương vị món ăn sao cho phù hợp. Khẩu vị của mỗi người mỗi khác, người thì góp ý bánh mì hơi mặn, người thì nói ngọt,… khiến cả hai không ít lần bối rối.
"Thấy sinh viên khởi nghiệp cực khổ quá, bà chủ lò bánh mì thấy thương, rồi chỉ dạy cho chúng tôi cách nêm nếm, điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi cũng tìm kiếm nhiều anh chị đi trước, học hỏi kinh nghiệm cũng như kiến thức về ngành dịch vụ này", anh Nhựt nhớ lại.
Ra sức đầu tư hơn kể cả về hình thức lẫn chất lượng món ăn, thương hiệu của hai chàng trai ngày càng được nhiều người biết đến hơn, hương vị bánh mì ngày một cân bằng, đem lại lượng khách quen dần tăng cao.
"Khởi nghiệp không nhất thiết là phải đi một mình. Tôi nghĩ chúng ta phải liên tục học hỏi, nâng cấp bản thân để con đường đi bớt gian nan hơn", anh chia sẻ.
Vượt qua nhiều rào cản, thất bại, thương hiệu bánh mì giờ đây đã có hơn 500 điểm bán bánh mì ở 40 tỉnh, thành, tập trung chủ yếu từ Đà Nẵng trở vào, trong đó có 250 điểm bán ở các quận, huyện của TPHCM.
Trung bình mỗi tháng, thương hiệu bán được 1 triệu ổ bánh mì chả cá. Hơn hết, cả hai đã đưa thương hiệu Việt ra khắp thế giới, có mặt tại các nước như Campuchia, Hàn Quốc, Úc.
Gần 10 năm gắn bó, hai chàng cử nhân kinh tế dường như thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Vì thế, thương hiệu bánh mì này đã giúp đỡ cho hàng trăm sinh viên, người lao động có được việc làm.
Hiện tại, cả hai đang nỗ lực để thực hiện dự án mới mang tên "Bánh mì sinh kế" nhằm giúp nhiều người nghèo vượt qua khó khăn sau đại dịch bằng cách cho họ "cần câu", thông qua việc thuê xe bán bánh với giá 0 đồng.
"Nhớ nhất là lần tôi chúng tôi xuống nhượng quyền cho một gia đình khó khăn. Cả hai vợ chồng đều đã có tuổi nhưng phải lao động nuôi con nhỏ. Ngày nhận được xe bánh mì, bắt đầu có được những đồng tiền lao động đầu tiên, người chồng liền nắm tay tôi và cảm ơn ríu rít. Lúc đó tôi mới nhận ra điều mình đang làm dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa với họ", chàng trai nói.