Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi: “Lương tối thiểu năm 2017 khó tăng cao”
(Dân trí) - “Năm 2017, tiền lương tối thiểu sẽ không tăng cao. Do chỉ số giá tiêu dùng đang phấn đấu là 5%, chưa tác động nhiều đến đời sống. Năng suất lao động thấp so với thu nhập tiền lương. Phương án ưu tiên là dung hòa, đảm bảo người lao động và tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển”.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định với báo chí về tình hình tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Bùi Sĩ Lợi giải thích thêm:
Theo đó, việc dung hòa tăng lương và nhu cầu phát triển sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và thu hút lao động. Đồng thời, người lao động không bị đưa khỏi dây chuyền sản xuất. Nếu cứ tập trung tăng lương tối thiểu. Điều này dẫn tới lợi bất cập hại: Doanh nghiệp dồn tăng lương tối thiểu thì phải thu hẹp sản xuất và việc làm sẽ bị giảm đi.
Chính vì vậy, khi bàn tới lương tối thiểu vùng, tôi cho rằng cần lưu ý các yếu tố: Lương tối thiểu phải đảm bảo mặt bằng tiền lương của đất nước, nguyên tắc tăng lương phải chậm hơn tăng năng suất lao động, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và đảm bảo đời sống cho người lao động.
Giải quyết được mối quan hệ này quả thực là vấn đề khó nên phải bàn. Nhưng nói chung lâu nay nâng lương tối thiểu chủ yếu đánh giá vào tác động của chỉ số giá sinh hoạt và nhu cầu.
Trong mùa tăng lương 2016, Tổng LĐLĐ VN giữ quan điểm: Chỉ khi lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu, mới bàn tới tăng năng suất lao động. Trong khi đó, VCCI lại cho rằng năng suất lao động thấp nên lương tối thiểu không tăng nhanh, thưa ông?
Quan điểm của bên nào cũng có căn cứ. Nhưng chúng ta phải quay lại một trật tự: “Làm thế nào ăn thế đó” và “Ăn như thế thì làm như vậy”. Mối quan hệ giữa hưởng thụ và cống hiến phải cân bằng nhau.
Nhưng trên thực tế, hai mệnh đề trên hiện chưa gặp nhau. Bộ LĐ-TB&XH - bên thứ 3 của đối thoại tăng lương tối thiểu trong Hội đồng tiền lương Quốc gia buộc phải chấp nhận phương án dung hòa.
Theo đó phải ưu tiên quyền lợi cho người lao động. Vì đây là yếu tố quyết định tăng năng suất lao động. Nhưng người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp để duy trì và phát triển nguồn việc làm.
Trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với Bộ LĐ-TB&XH đầu tháng 6, Hiệp hội Dệt may đặt vấn đề mức sống tối thiểu luôn thay đổi, do vậy lương tối thiểu khó có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu, thưa ông?
Bất cập hiện nay là việc hiểu đúng về mức sống tối thiểu và lương tối thiểu.
Theo đó, lương tối thiểu là phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Lương tối thiểu phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, ví dụ “nước lên thuyền lên”. Phải căn cứ vào quan hệ cung - cầu lao động, nếu sức mua khác nhau thì chi phí tiền lương khác nhau.
Hiện, chúng ta chủ yếu xác định lương tối thiểu dựa trên các yếu tố cơ cấu mặt hàng, lương thực thực phẩm đảm bảo đời sống cho người lao động. Việc xác định chính sách đó chưa thể hiện bản chất lương tối thiểu.
Nhiều nước trên thế giới ít dùng lương tối thiểu theo tháng, thay vào đó dùng lương tối thiểu theo giờ. Đây là xu hướng áp dụng trong quan hệ lao động.
Thưa ông, ngay trong việc đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp trong mùa tăng lương 2016, Bộ LĐ-TB&XH, VCCI và Tổng LĐLĐ VN đều đưa ra những căn cứ tính khác nhau. Nếu cứ duy trì việc này, cuộc tranh luận dường như sẽ khó khăn hơn vì thiếu căn cứ chung?
Đây là một mâu thuẫn của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong đó VCCI và Tổng LĐLĐ VN đều là thành viên chủ chốt.
Ba cơ quan đều đưa ra các tiêu thức khác nhau. VCCI bao giờ cũng bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và nhằm ổn định giá thành. Tổng LĐLĐ VN luôn muốn tăng lương tối thiểu cao hơn để đảm bảo đời sống người lao động. Bộ LĐ-TB&XH có cách tính dung hòa hơn.
Để tìm ra căn cứ chung, có lẽ chúng ta phải quay trở lại tiêu chí tiền lương. Tiền lương là chi phí để chủ doanh nghiệp trả cho người lao động căn cứ vào số lượng và chất lượng công việc đảm nhiệm. Tiền lương tăng lên phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động. Trong nguyên tắc, bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động.
Về lâu dài, tôi cho rằng việc công bố mức sống tối thiểu phải do một cơ quan nhà nước thực hiện. Cơ quan này có thể là Tổng cục Thống kê, trên cơ sở xác định căn cứ vào nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, nhà ở, nước, điện sinh hoạt…
Theo đó, chúng ta phải có một bộ tiêu chí đánh giá cụ thể: Trong 1 ngày người lao động sử dụng hết bao nhiêu calo và số calo đó phải tương ứng với bao nhiêu tiền khi mua sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Thì lúc đó không ai cãi nhau cả.
Còn như bây giờ, ba bên đưa ra 3 tiêu chí khác nhau để bàn luận, rồi chia bình quân là không khách quan.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện