Lương tối thiểu vùng 2017: Mức tăng sẽ không dưới 10 %

(Dân trí) - Nhận định về mùa tăng lương tối thiểu 2017, đại diện của Bộ LĐ-TB&XH, VCCI và chuyên gia của Tổng LĐLĐ VN đều cho rằng mức tăng năm nay sẽ giao động trên 10 %. Đặc biệt, khả năng đồng thuận sẽ cao hơn so với mức độ của năm 2016. Lý do vì sao?


Năm 2015, Hội đồng tiền lương QG chốt ở tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016 được12,4 %.

Năm 2015, Hội đồng tiền lương QG chốt ở tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016 được12,4 %.

“Mức tăng lương tối thiểu sẽ không cao hơn 12,4%”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Chia sẻ dự đoán với báo giới về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng mức này sẽ không thể vượt hơn mức lương tối thiểu vùng của năm 2016 (12,4%).

Thứ trưởng Phạm Minh Huân
Thứ trưởng Phạm Minh Huân

“Nếu chúng ta dồn cho lương tối thiểu quá lớn, doanh nghiệp sẽ không còn gì để đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị để tăng năng suất lao động. Đây là thách thức lớn trong vấn đề tăng lương tối thiểu vùng” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Theo vị Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, việc tăng lương tối thiểu năm 2017 phát sinh thách thức phải tìm ra phương án hài hòa cho 2 bên. Người lao động luôn cần được đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn, làm việc với thu nhập cao hơn. Với người sử dụng lao động, đây là bài toán lớn với áp lực cạnh tranh lớn. Tiềm lực tài chính và công nghệ hạn chế, năng suất lao động cũng chưa cao, tay nghề công nhân hạn chế.

“Nếu chúng ta cứ tập trung quá nhiều vào vấn đề lương tối thiểu nhưng quên đi các vấn đề khác thì sẽ khó trong việc cạnh tranh. Vì nhiều doanh nghiệp của chúng ta nếu so sánh với các doanh nghiệp các nước xung quanh chỉ bẳng 40-50% năng suất.

Điểm khác biệt của công tác chuẩn bị của năm 2017, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: Năm 2016, Hội đồng tiền lương chỉ đạo các bên phải đưa ra nhiều phương án và bộ phận kỹ thuật sẽ ngồi bình từng phương án của các bên để tư vấn. Điều này khác với các năm trước, mỗi bên đều đưa ra các phương án và gửi lên Hội đồng tiền lương Quốc gia.

“Mức tăng có thể giảm nhưng không dưới 10%”. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN).

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Lê Đình Quảng nói: Đầu năm 2016, Tổng LĐLĐ VN đã triển khai khảo sát đánh giá việc tăng lương tối thiểu theo NĐ 122/2015/NĐ-CP, thu nhập đời sống người lao động. Mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng khoảng 80 % nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Ông Lê Đình Quảng
Ông Lê Đình Quảng

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi người lao động và theo tinh thần pháp luật. Tổng LĐLĐ VN vẫn kiên trì quan điểm tăng lương tối thiểu dần đảm bảo đời sống người lao động.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy năm 2016 có những khó khăn: Việc tăng lương tối thiểu năm 2016 cũng đồng thời tác động kép lên việc tăng mức đóng BHXH. Do vậy, tỉ lệ đóng BHXH của người sử dụng sẽ tăng.

Chúng tôi cũng chia sẻ những khó khăn này. Nhưng nhìn ở góc độ khác, việc tăng lương tối thiểu là động lực để người lao động tăng cường sự hợp tác với người sử dụng lao động, qua đó tăng năng suất lao động.

Vì vậy, chúng tôi đang cân nhắc một đề xuất hài hòa. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Năm 2016, mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Nay đã trì hoãn rất nhiều nhưng chậm nhất cũng không được vượt quá năm 2018.

Mức lương tối thiểu vùng hiện đáp ứng được 80 % giữa mức sống tối thiểu của người lao động. Còn độ vênh 20% nữa. Trong năm 2017, việc tăng lương tối thiểu khó có khả năng bù đắp hết còn số 20%. Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng mỗi năm tăng lên không dưới 10%, mới đáp ứng đúng lộ trình.

“Các bên sẽ sớm có sự đồng thuận về mức tăng lương tối thiểu”. Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI).

Trả lời trên báo chí trước đó, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng việc chuẩn bị của Hội đồng tiền lương quốc gia về tình hình lương tối thiểu vùng cho năm 2017 sẽ kỹ lưỡng hơn.

Ông Hoàng Quang Phòng
Ông Hoàng Quang Phòng

Các bên sẽ có nghiên cứu độc lập và những cơ sở dữ liệu quan trọng để giúp các thành viên Hội đồng chuẩn bị phương án điều chỉnh, thương thảo tại các phiên họp sắp tới.

“Với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng như vậy, tôi tin rằng năm nay chúng ta sẽ sớm có được sự đồng thuận của các bên trong câu chuyện lương tối thiểu vùng” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, kinh nghiệm của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), cho thấy: Thông thường mức tiền lương tối thiểu chỉ nên bằng khoảng 40-60% tiền lương bình quân trên thị trường là phù hợp. Bởi nếu để mức lương tối thiểu quá cao thì về bản chất, lương tối thiểu đã trở thành mức lương thực trả cho người lao động.

Đại diện của VCCI phân tích thêm, việc tăng mức lương tối thiểu quá cao còn có thể gây tác động tiêu cực ngoài ý muốn, như: Không thúc đẩy cơ chế thương lượng tập thể những nội dung có lợi hơn cho người lao động và hạn chế người lao động, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…

Khảo sát việc thực hiện Nghị định 122/2015/NĐ-CP về tăng lương tối thiểu vùng 2016.

Theo ông Lê Đình Quảng:

- Đa số người lao động ghi nhận cao những nỗ lực của Hội đồng tiền lương QG về quyết định tăng lương tối thiểu thêm 12,4%. Đa số các doanh nghiệp đều trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu.

- Doanh nghiệp chỉ dùng mức lương tối thiểu vùng để đóng BHXH.

- Những doanh nghiệp đang trả lương thấp hơn mức tăng của năm 2016 thì thực hiện nghiêm túc. Còn một số doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tăng trên thì điều chỉnh không được mức 12,4 %.

- Một số doanh nghiệp khi tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lại cắt giảm một số quyền lợi của người lao động. Gần 50 cuộc đình công xảy ra đầu năm 2016 cũng có nguyên nhân từ lý do này.

Hoàng Mạnh