Lương tối thiểu 2020: “Tổng LĐLĐ VN đề xuất 2 phương án tăng từ 7-8%"

(Dân trí) - Sáng 14/6, tại Hà Nội, Phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng 2020 đã được diễn ra. Đây là cuộc đàm phán giữa Tổng LĐLĐ VN (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - đại diện người sử dụng lao động. Ghi nhận của PV Dân trí về quan điểm của các bên đầu giờ họp.

Lương tối thiểu 2020: “Tổng LĐLĐ VN đề xuất 2 phương án tăng từ 7-8%" - 1

Phiên họp sáng 14/6 tại Hà Nội

Ông Lê Đình Quảng - thành viên đoàn đàm phán, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ VN: "Hai phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020"

Trao đổi với PV Dân trí trước giờ đàm phán, ông Lê Đình Quảng cho rằng, kết quả đàm phán lương tối thiểu 2018 đã giúp tăng lương tối thiểu năm 2019 đạt khoảng 95 % mức sống tối thiểu của người lao động.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, mục tiêu đưa mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu giờ đã được quy định rõ trong Nghị quyết 27/NQ-T.Ư.

“Bức tranh kinh tế của năm 2019 thuận lợi cho việc tăng lương tối thiểu 2020” - ông Lê Đình Quảng nói.

“Như vậy, việc cần làm là “lấp đầy” khoảng trống chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Đây là kỳ vọng của Tổng LĐLĐ VN tại mùa đàm phán lương tối thiểu 2020” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, điểm mấu chốt trong việc xác định đàm phán năm nay là việc xác định tỷ lệ nhu cầu lương thực và phi lương thực trong “giỏ” mức sống tối thiểu của người lao động. Tổng LĐLĐ VN có 2 cách tính khác với bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia.

“Theo đó, phương án 1 xác định tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 47/53 - tương ứng với tỷ lệ của Philippin, tương ứng với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 7,06 %. Phương án 2, tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 46,5/53,5, tương ứng với mức tăng 8 %” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Dự đoán của ông Lê Đình Quảng, phiên đàm phán sẽ cam go bởi quan điểm trái chiều của các bên: "Từ nhiều năm nay, việc đàm phán lương chưa bao giờ có sự dễ dàng trong thoả hiệp giữa các bên".

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): "Còn để xem tình hình ra sao..."

Cùng trao đổi với về vấn đề trên, ông Hoàng Quang Phòng tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra quan điểm điều chỉnh tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2020.

Lương tối thiểu 2020: “Tổng LĐLĐ VN đề xuất 2 phương án tăng từ 7-8% - 2

“Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4 %, năng suất lao động vẫn như năm 2018. Mặc dù có sự hồi phục của nền kinh tế nhưng nguy cơ tiền ẩn tác động tới “sức khỏe” của doanh nghiệp” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

“Hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch VCCI, về cơ bản, các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2019 được đề xuất tăng là 5,3%, cụ thể: 72,5 % doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6 %; 2,1 % doanh nghiệp tăng 5,9%. Đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của người lao động.

“Trong khi đó, tăng lương tối thiểu lại làm tăng các chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh đang cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh. Qua 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 54.000 doanh nghiệp được thành lập mới thì có tới trên 20.000 doanh nghiệp “thoát ly” khỏi thị trường, trong đó có 7.000 doanh nghiệp đã hoàn thành xong thủ tục giải thể” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Mức lương tối thiểu vùng 2019 ra sao?

Căn cứ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2019 thêm 5,3 % so với lương tối thiểu năm 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2018/NĐ- CP quy định điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019.

Theo đó, từ 1/1/2019, mức lương tối thiểu trên 4 vùng lương sẽ được tăng thêm tăng từ 160.000 - 200.000 đồng so với mức của năm 2018. 

Cụ thể:

Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. (Tăng thêm 200.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. (Tăng thêm 180.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. (Tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. (Tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Hoàng Mạnh