1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu đang "khoác" quá nhiều vai

Doanh nghiệp kiến nghị lương tối thiểu vùng đang mang quá nhiều vai trò, vừa là căn cứ tính lương bậc 1 vừa là căn cứ đóng bảo hiểm, điều này gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, trong tháng 7/2019 Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp bàn về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020.

Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đang họp bàn đưa ra đề xuất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020.

Lương tối thiểu đang khoác quá nhiều vai - 1

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định tăng lương tối thiểu vùng đang làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động cần phân tích các chi phí liên quan hoạt động sản xuất để đưa ra đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2020 phù hợp”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Kéo tăng hàng loạt chi phí

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mức lương tối thiểu vùng đang bị “khoác” cho quá nhiều chức năng, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

“Ở nhiều nước, tăng lương tối thiểu chỉ đơn thuần là tăng mức lương, không liên quan đến căn cứ chi trả bảo hiểm và các khoản khác”, ông Cẩm dẫn ví dụ.

Lương tối thiểu đang khoác quá nhiều vai - 2

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, lương tối thiểu là căn cứ tính mức lương bậc 1 của hệ thống thang bảng lương, thêm đó có quy định cứng khoảng cách các bậc là 5%. Như vậy, khi tăng lương tối thiểu thì tất cả các bậc đều tăng. Cùng với đó, lương tối thiểu cũng là căn cứ tính bảo hiểm, lương tối thiểu tăng thì phí đóng cũng tăng.

“Cũng không có mấy doanh nghiệp trả theo mức lương tối thiểu này, đa phần doanh nghiệp, kể cả dệt may cũng đã trả cho người lao động 8-10 triệu đồng/tháng. Mặc dù đã trả mức lương cao hơn nhiều lương tối thiểu nhưng doanh nghiệp vẫn “kêu” là bởi vì mức lương tối thiểu đang được lấy làm căn cứ đóng bảo hiểm”, ông Cẩm phân tích.

Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng cho biết, mức lương tối thiểu vùng đang tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động.

Căn cứ "sức khoẻ" doanh nghiệp

Theo lộ trình tăng lương tới thiểu đã được quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 xác định rõ thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiếu vùng phù hợp với tình hình kinh tế và sức chi trả của doanh nghiệp, đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Trong khi đó, tại Nghị quyết 19-NQ/TW xác định có các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt, năm 2019 còn được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Lương tối thiểu đang khoác quá nhiều vai - 3

Hội thảo trao đổi phương án của tổ chức đại diện người sử dụng lao động về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020 do VCCI tổ chức chiều ngày 30/5.

“Như vậy việc tăng lương tối thiểu, tăng chi phí cho doanh nghiệp sẽ mâu thuẫn với mục tiêu này. Do đó, doanh nghiệp cần đưa ra các phân tích cụ thể, vì chi phí quá cao thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm”, ông Hoàng Quang Phòng phân tích.

Doanh nghiệp kiến nghị lộ trình tăng lương tối thiểu vùng không nên cứng nhắc tới năm 2020 mức lương tối thiểu tương đương mức sống tối thiểu.

Thống kê năm 2018 có hơn 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên có tới 92.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, như vậy, cứ 3 doanh nghiệp ra đời thì có tới 2 doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Trong khi đó, mục tiêu đặt ra năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định con số này sẽ là khó khăn khi chi phí tiền lương ngày một đè nặng lên doanh nghiệp.

Lương tối thiểu đang khoác quá nhiều vai - 4

Phân tích của bộ phận kỹ thuật cho thấy mức lương tối thiểu hiện đã đáp ứng 95,2% nhu cầu sống tối thiểu.

Ngay với ngành dệt may, doanh nghiệp cho biết, nếu áp lực chi phí lao động tiếp tục đè nặng thì doanh nghiệp sẽ “không thể chịu nổi”.

“Nếu cứ tăng mức lương tối thiểu thì những doanh nghiệp dệt may như chúng tôi hoặc những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường sẽ “không thể chịu nổi” mà rời bỏ thị trường vì doanh nghiệp đang phải bù lương và do mức đóng bảo hiểm lớn, bao gồm cả số lao động 3-6 tháng, đây là số lao động biến động rất lớn”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cần được cân nhắc căn cứ theo những doanh nghiệp khó khăn nhất để đưa ra phương án điều chỉnh.

Đặc biệt chú ý tới yếu tố “khả năng chi trả của doanh nghiệp”, đặc biệt là doanh nghiệp mới ra nhập thị trường.

Theo Thy Hằng/Diễn đàn Doanh nghiệp