Ý kiến trái chiều về tiền lương tối thiểu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động
(Dân trí) - “Việc thay đổi định nghĩa về lương tối thiểu trong lúc này là vi phạm tới lợi quyền của người lao động. Trong khi đó, khái niệm về lương tối thiểu vốn có trước đây đã được Tổ chức Lao động quốc tế công nhận. Nếu thay đổi điều này sẽ làm giảm đi sự bảo vệ người lao động…”.
Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi với PV Dân trí về nội dung tiền lương tối thiểu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, đang được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp lần thứ 7.
Không đồng tình với việc dự thảo đã thay đổi khái niệm về lương tối thiểu so với Luật Lao động 2012, ông Vũ Quang Thọ cho rằng điều này sẽ làm giảm đi sự bảo vệ cho người lao động đứng từ góc độ pháp luật. Bởi trong quá trình đàm phán thực tế, người lao động thường bị đứng vào thế yếu.
Chia sẻ kinh nghiệm từng là thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Thọ cho rằng lương tối thiểu vốn được coi là một trong số những “trụ cột” chính để đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu cho từng năm.
“Khi thiết kế tiền lương tối thiểu hàng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia đều sử dụng định nghĩa lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu phải, bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nguyên tắc này cần được giữ nguyên trong điều kiện hiện nay” - ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012, lương tối thiểu chỉ được khái quát bằng quy định: Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường.
Lương tối thiểu đáp ứng được khoảng 95 % mức sống tối thiểu
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), mức lương tối thiểu hiện đáp ứng được khoảng 95 % mức sống tối thiểu. Đồng thời, lương tối thiểu cần đáp ứng được mức sống tối thiểu như quy định của Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư.
Phần kèm theo trong định nghĩa “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” vốn được ghi trong Luật Lao động 2012 đã được chuyển vào nhóm 5 yếu tố xác định lương tối thiểu trong dự thảo sửa đổi.
Theo ông Vũ Quang Thọ, nếu áp dụng quy định của dự thảo sẽ vô hình bớt đi nhiều “vòng” bảo vệ cho người lao động. Trong khi đó, định nghĩa cũ đã được Tổ chức lao động quốc tế công nhận.
“Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, trên 90 % công nhân lao động khi đi làm chỉ quan tâm tới tiền lương và việc làm. Do đó, việc không gắn yếu tố đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào định nghĩa lương tối thiểu sẽ giảm đi sự bảo vệ cho người lao động” - ông Vũ Quang Thọ cho biết.
Phân tích về 5 điều kiện xác định lương tối thiểu như trong dự thảo nêu, vị nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn không đồng tình với điều kiện dựa vào “khả năng chi trả của doanh nghiệp”.
“Trước kia, trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, tôi đã từng phát biểu rằng doanh nghiệp muốn kinh doanh sản xuất thì cần có vốn, trong vốn thì phải tính ra trả lương cho người lao động là bao nhiêu. Nếu “sức khoẻ” doanh nghiệp quá yếu thì đừng thuê lao động. Còn nếu đã nếu chấp nhận yếu tố thị trường thì cần chấp nhận mặt bằng lương đã quy định cho người lao động” - ông Vũ Quang Thọ cho biết.
Hoàng Mạnh