1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tháng còn 4 triệu đồng, nhân viên truyền thông đi bán phụ tùng xe máy

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Từ thu nhập 20 triệu đồng/tháng, do Covid-19, anh Võ Vinh Hòa chỉ còn lương khoảng 4 triệu đồng. Trong 2 tháng qua, anh phải dùng tới nguồn tiền tích lũy từ trước, cuộc sống gia đình đảo lộn.

Bán hàng online mưu sinh mùa dịch

Hoạt động trong ngành truyền thông được 10 năm, anh Võ Vinh Hòa (33 tuổi, ngụ TPHCM) hiện là trưởng phòng kỹ thuật cho một công ty tư nhân. Anh cũng đảm nhận công việc quay phim để tăng thu nhập. Tuy vậy, 2 năm nay thu nhập bấp bênh vì dịch Covid-19 khiến anh khá lo lắng cho tương lai.

"Đã hơn 2 tháng, tôi phải nghỉ ở nhà vì không có việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thu nhập của tôi giảm hơn 80%, từ mức lương 20 triệu/tháng xuống còn khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng", anh Võ Vinh Hòa bày tỏ.

Trong 10 năm làm trong lĩnh vực truyền thông chưa khi nào anh khó khăn như bây giờ. Các chi phí sinh hoạt của gia đình đều phải giảm tối đa. Hầu hết tiền chi tiêu, ăn uống của 4 người trong gia đình anh giờ phải dựa vào tiền lương của vợ anh.

Lương tháng còn 4 triệu đồng, nhân viên truyền thông đi bán phụ tùng xe máy - 1

Trước khi có dịch Covid-19, anh Võ Vinh Hòa có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng.

"Lúc trước, nhu cầu làm các video quảng cáo cho doanh nghiệp còn nhiều nên công việc của tôi khá ổn định. Tôi còn nhận quay phim bên ngoài để tăng thêm thu nhập. Hiện tại, tôi chỉ còn nhận được phần lương cứng của công ty chứ không còn việc để làm nữa", anh Võ Vinh Hòa chia sẻ.

Để thích nghi với khó khăn, anh đã tìm hiểu và quyết định bán hàng online các linh kiện, phụ tùng xe máy để kiếm thêm thu nhập. Do chưa quen với công việc mới, lượng khách hàng ít nên việc bán hàng online của anh cũng chật vật,  chưa hiệu quả.

"Tôi không biết đợt dịch này còn kéo dài tới khi nào nên cũng không biết khi nào gia đình mới hết khó khăn. Để mưu sinh, tôi chỉ có thể tìm mọi cách để thích ứng và làm việc hiệu quả hơn khi kinh doanh qua mạng internet. Hy vọng thời gian tới công việc sẽ ổn định hơn", anh Võ Vinh Hòa chia sẻ.

Lương tháng còn 4 triệu đồng, nhân viên truyền thông đi bán phụ tùng xe máy - 2

Anh Võ Vinh Hòa phải đi bán phụ tùng xe máy để mưu sinh.

Mong muốn lớn nhất ở thời điểm hiện tại của anh trưởng phòng kỹ thuật này là dịch mau chóng được kiểm soát, các doanh nghiệp sẽ đi vào hoạt động bình thường để kinh tế khởi sắc trở lại. Nếu dịch còn kéo dài, rất có thể công ty anh đang làm việc sẽ rất khó khăn. Khi đó, anh sẽ rất khó tìm được công việc có mức thu nhập ổn định.

Anh Võ Vinh Hòa tâm sự: "Tôi chỉ muốn có thể trở lại công việc bình thường như trước. Vì đây không chỉ là niềm đam mê mà còn là "cần câu cơm" giúp tôi có thể chăm lo cho gia đình mình".

Lương tháng còn 4 triệu đồng, nhân viên truyền thông đi bán phụ tùng xe máy - 3

Do chưa quen công việc mới nên anh chưa thể có thu nhập ổn định.

Chuyển đổi sang "công nghệ số" để tồn tại

Vào năm 2015, chị Nguyễn Thu Len (35 tuổi, ngụ TPHCM) đã mở một công ty truyền thông chuyên sản xuất các chương trình truyền hình, phim về du lịch. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình của công ty chị phải tạm dừng sản xuất vì không có nhà tài trợ.

"Tôi đã theo nghề truyền thông đã lâu và cũng là chủ doanh nghiệp truyền thông hơn 5 năm. Đây là lần đầu tiên, tôi thấy ngành truyền thông chịu ảnh hưởng nặng nề như thế này", chị Nguyễn Thu Len cho biết.

Lương tháng còn 4 triệu đồng, nhân viên truyền thông đi bán phụ tùng xe máy - 4

Do Covid-19, các doanh nghiệp giảm chi cho quảng cáo nên đơn vị truyền thông bị ảnh hưởng nặng nề.

Dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp lớn, nhỏ phải cắt giảm chi phí thương hiệu và quảng cáo kéo theo những doanh nghiệp như công ty của chị cũng ảnh hưởng theo.

"Nhu cầu sản xuất phim quảng cáo của doanh nghiệp giảm 70%. Đồng thời, các chương trình về du lịch của công ty tôi sản xuất phải tạm dừng. Điều này, làm doanh thu của công ty giảm hơn 60% trong mùa dịch", chị Nguyễn Thu Len bộc bạch.

Để có thể duy trì hoạt động công ty và nguồn quỹ lương của nhân viên, chị đã thích ứng với dịch bằng cách nhận làm thêm các dịch vụ truyền thông khác như: Tư vấn truyền thông, viết bài PR, viết content, booking quảng cáo online,…

Lương tháng còn 4 triệu đồng, nhân viên truyền thông đi bán phụ tùng xe máy - 5

Theo chị Nguyễn Thu Len, nếu dịch kéo dài, nhiều công ty truyền thông sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Tôi gặp rất nhiều áp lực và khó khăn về chuyện phải kiếm thêm việc và nguồn thu cho công ty để có thể tiếp tục duy trì, vượt qua đợt dịch này. Ngoài việc đảm bảo cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình, tôi còn phải đảm bảo về lương cho các bạn nhân viên của công ty và các cộng tác viên khác", chị chia sẻ.

Hơn 1 tháng nay, nữ giám đốc và nhân viên làm việc chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Đối với chị, đây không chỉ là khó khăn mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp có thể thích ứng và dần chuyển đổi số cách vận hành doanh nghiệp.

Khoảng 60.000 lao động mất việc, ngưng việc vì Covid-19

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM - cho biết: "TP hiện có khoảng 60.000 lao động bị mất việc, ngưng việc. Tuy nhiên các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm từ 3 đợt dịch trước nên không có tình trạng cho người lao động nghỉ việc hàng loạt. Hiện, các doanh nghiệp áp dụng chế độ nghỉ luân phiên, xen kẽ".

Cụ thể, bình thường làm 30 ngày thì nay người lao động làm 15 ngày. Như vậy, vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động cũng có lương

Cũng theo ông Lê Minh Tấn, Sở đã đề xuất với UBND TPHCM thông qua gói hỗ trợ 345 tỷ đồng hỗ trợ nhóm lao động tự do. Nếu được thông qua, mỗi lao động tự do bị mất việc, ngưng việc trong đợt giãn cách xã hội của TP từ đầu tháng 6 đến nay sẽ nhận được 1,5 triệu đồng. Dự kiến có khoảng 230.000 lao động nằm trong diện được đề xuất hỗ trợ.

Đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này còn bao gồm người bán vé số, hàng rong, thu gom rác, bốc vác, người vận chuyển hàng hóa, làm việc tại hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; người làm việc tại địa điểm phải dừng hoạt động theo lệnh giãn cách (khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên...) cư trú tại TPHCM.