"Lương giáo viên cần đặc biệt quan tâm để nhà giáo không phải lo dạy thêm"
(Dân trí) - Là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị đặc biệt quan tâm đến lương, phụ cấp của giáo viên để đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình.
Chăm lo cho giáo viên phải thực chất
Thảo luận tại tổ sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xây dựng, ban hành dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng cho biết, nghề giáo là nghề cao quý mà cả xã hội tôn trọng, tôn vinh. Vì vậy, các chính sách với nhà giáo cần đầy đủ, đồng bộ, thiết thực để làm sao những người làm giáo dục phải sống được bằng đồng lương và thôi thúc công tác, giảng dạy thật tốt.
Để việc chăm lo cho đời sống của giáo viên đi vào thực chất, không còn là khẩu hiệu suông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng dự Luật cần đi sâu, tập trung chi tiết vào một vài vấn đề cơ bản.
Đầu tiên, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhắc đến việc đảm bảo về vấn đề lương, phụ cấp cho nhà giáo. Khi đời sống được đảm bảo, nhà giáo mới có thể yên tâm công tác tốt.
"Không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ thấy nhà giáo lo dạy thêm, bươn chải cuộc sống. Chính vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai về các chính sách ưu đãi khác phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, loại hình giáo dục, vị trưởng ngành nêu điển hình về chính sách với giáo dục trong đại học. Ở đây, điều cần quan tâm nhất là việc tự chủ thực sự, tự chủ tài chính, quyền hạn trong công tác cán bộ.
Bởi, tự chủ đại học là khâu đột phá trong giáo dục, cũng là điểm nổi bật mà dự Luật nêu ra.
Cùng với đó, chính sách về nhà ở, nhà công vụ cũng được Bộ trưởng lưu ý, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. "Nhà công vụ cần được sử dụng đúng nghĩa. Khi hết thời gian công tác cần trả lại, không thể biến nhà công vụ thành nhà riêng", ông Dung nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, nước ta đang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng trường học, nhưng tình trạng trường học chưa đáp ứng yêu cầu, nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều.
Để giải quyết được thực tế trên, Bộ trưởng nhấn mạnh cần quy định rõ nhà nước có trách nhiệm đầu tư ngân sách xây dựng kiên cố trường học, cùng với đó là huy động hỗ trợ từ xã hội.
Đánh giá chung, Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng các nguyên tắc về chính sách ưu đãi thực sự với lĩnh vực giáo dục, nhà giáo dục, nhà quản lý, chứ không phải chính sách "ban ơn" đặc thù riêng.
Bộ trưởng nhắc lại khi dự thảo mới được lấy ý kiến, có những chính sách đặc thù mà bản thân nhà giáo không thích. Vì vậy, cần lựa chọn những chính sách ưu tiên thực chất.
Đánh giá kỹ tác động giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non
Liên quan đến quy định nghỉ hưu sớm trong ngành giáo dục, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhắc lại, Bộ luật Lao động quy định về lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng.
Hiện nay, cả nước đã có 1.840 công việc, lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu sớm, trong đó có một số lĩnh vực, công việc của ngành giáo dục.
Bộ trưởng nêu quan điểm về việc ủng hộ những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm mà không bị giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.
Song, vị trưởng ngành phân tích sự khác nhau giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Khi hết tuổi nghề ở một số lĩnh vực, công việc đặc thù thì cần có phương án, chính sách chuyển đổi nghề, công việc. Bên cạnh kế hoạch của bản thân họ, nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ.
Liên quan đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm mà không giảm trừ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ dự Luật còn quy định chung chung và chưa đánh giá hết những tác động liên quan.
Bộ trưởng kiến nghị, trong số 300.000 giáo viên mầm non, người quản lý, phục vụ... cần phân loại cụ thể những người mong muốn nghỉ hưu sớm và đánh giá tác động của đề xuất này.
Bộ trưởng tái khẳng định hoàn toàn ủng hộ những nhóm ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm nhưng cần đánh giá tác động thật kỹ. Việc đánh giá vừa cần thiết với quá trình xây dựng pháp luật vừa phù hợp hơn với thực tiễn.
Về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh dự Luật được tiếp thu, chỉnh lý với tinh thần cầu thị cao nhất.
Hiện nay, vấn đề việc làm rất đa dạng, linh hoạt, năng động. Bên cạnh đó, một người có nhiều giao kết hợp đồng khác nhau.
Ngoài vấn đề tập trung trước đây, dự Luật hướng đến lượng hóa những vấn đề nguyên tắc.
Trong đó, quy định về bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm. Trước đây, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định cứng...
Sửa đổi Luật lần này, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ thực hiện nguyên tắc là "bà đỡ" của thị trường, tăng loại hình hỗ trợ, mức hỗ trợ, tính liên kết, chia sẻ của bảo hiểm thất nghiệp.