Lương đi làm Ngày Quốc khánh, tăng 400 giờ làm thêm, đề xuất 4 vùng lương mới …

(Dân trí) - Nghiên cứu điều chỉnh giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm, cách tính tiền lương khi làm việc vào ngày Quốc khánh, đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2019, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tới 65 % nợ BHXH…là những thông tin nổi bật trong lĩnh vực LĐ-VL tuần qua.


Người lao động đi làm Ngày Quốc khánh sẽ có mức lương khác ngày thường. (Ảnh: Internet)

Người lao động đi làm Ngày Quốc khánh sẽ có mức lương khác ngày thường. (Ảnh: Internet)

Có thể tăng khung giờ làm thêm lên 400 giờ/năm.

Đây là một trong nhiều nội dung của Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, mới được Bộ LĐ-TB&XH công bố trung tuần tháng 8 tại Hà Nội.

Trao đổi với PV Dân trí về đề xuất tăng giờ làm thêm, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận xét: “Nếu ở các nước phát triển, điều kiện làm việc và năng suất cao hơn, có thể giờ làm việc ít đi. Nhưng trong điều kiện năng suất, thu nhập hiện nay và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng ta phải chấp nhận tình trạng tăng giờ làm thêm”.

Còn theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho biết: Nếu trong trường hợp tăng từ 300-400 giờ, người sử dụng lao động phải trả mức 250 % lương của ngày làm việc bình thường. Đồng thời, trường hợp nâng lên 400 giờ làm thêm chỉ nên giới hạn trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo cơ hội tái tạo sức khoẻ của người lao động (xem thêm).

Áp định mức kinh tế kỹ thuật về đào tạo TC-CĐ cho 9 nghề

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân vừa ký ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BLĐTBXH quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho 9 nghề. Thời hạn có hiệu lực tính từ ngày 1/10/2018.

Theo đó, 9 nghề được xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo trình độ trung cấp - cao đẳng, gồm: Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí; Vận hành máy thi công nền; Vận hành cần, cầu trục; Kỹ thuật xây dựng; Bảo vệ thực vật; Chế biến và bảo quản thuỷ sản; Quản trị mạng máy tính; Quản trị kinh doanh xăng dầu và gas.

Đây là những nghề phổ biến, xã hội có nhu cầu cao về lao động đã qua đào tạo hiện nay

Được biết từ nay đến năm 2020, thực hiện Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho 300 ngành, nghề. (Cụ thể).

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tới 65 % số nợ BHXH”

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số nợ BHXH bắt buộc tính lãi là 5.737 tỷ đồng trong năm 2017, chiếm 2,9% số phải thu. Tỷ lệ nợ BHXH bắt buộc giảm so với năm 2016 khoảng 0,8%. Việc nợ đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của hàng trăm ngàn lao động.

Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương như nhận định của Đại biểu Quốc hội.

Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến hết năm 2017, số nợ BHXH bắt buộc phải tính lãi là 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% so với số phải thu. Tỷ lệ nợ BHXH bắt buộc giảm so với năm 2016 khoảng 0,8%. (chi tiết).

Lấy ý kiền về lương tối thiểu trên 4 vùng trong năm 2019

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Dự kiến, mức lương mới này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng 2019 áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. (cụ thể)

Quốc khánh 2/9: Người lao động làm việc sẽ nhận mức lương ra sao?

Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 115 của Luật Lao động năm 2012, người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ người lao động nhận được hưởng 100 % lương.

Ngoài ra, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012, nếu người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ còn được nhận tiếp tối thiểu khoản tiền bằng 300 % mức lương làm việc trong ngày đó.

Như vậy, người lao động sẽ nhận tối thiểu tổng cộng là 400% lương ngày bình thường.

Trường hợp người lao động làm thêm vào ban đêm vào ngày nghỉ lễ sẽ được hưởng thêm 30% tiền lương của ngày bình thường.

Tuy nhiên, quy định trên chỉ là “nền” tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động. Luật Lao động luôn khuyến khích người sử dụng lao động trả mức lương cao hơn cho người lao động. (Chi tiết).

Hoàng Mạnh