1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương công nhân không đủ sống: Đề xuất quy định lương tối thiểu theo giờ!

An Linh

(Dân trí) - Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá theo giá xăng, mức lương của lao động, công nhân khu công nghiệp hết sức khó khăn, thậm chí không đủ đáp ứng chi phí ăn ở ngày một tăng.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, tiền lương tối thiểu theo vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế và có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trả lương lao động thấp hơn.

Vị thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất quy định lương tối thiểu theo giờ, bên cạnh việc nghiên cứu điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng để bảo vệ người lao động, duy trì ổn định sản xuất, tránh xảy ra bất đồng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Lương công nhân không đủ sống: Đề xuất quy định lương tối thiểu theo giờ! - 1

Lương tối thiểu đã lạc hậu trong khi hàng loạt nhóm mặt hàng thiết yếu tăng giá đã và đang gây áp lực lớn đến đời sống người lao động, đặc biệt là công nhân.

Ông Quảng cho rằng, Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên 7 yếu tố, trong đó có mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; tương quan giữa lương tối thiểu và tiền lương trên thị trường lao động; chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung cầu lao động; yếu tố năng suất, khả năng chi trả của doanh nghiệp...

Trong đó, từ 1/1/2020, mức tiền lương tối thiểu quy định thành 4 vùng, vùng đô thị, mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/người/tháng, vùng 4 thấp nhất là trên 3 triệu đồng/người/tháng. Hai năm nay, lương tối thiểu cũng chưa được điều chỉnh, chưa đảm bảo được ý nghĩa lương tối thiểu đảm bảo mức sống của người lao động và gia đình.

Theo ông Quảng, hiện trong 7 yếu tố cấu thành lương tối thiểu có nhiều yếu tố đã thay đổi như CPI, mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng... Chính vì thế, mức lương tối thiểu hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa thể là cơ sở đặt ra cho các bên thương lượng xác lập tiền lương trên thị trường hiện nay.

Theo đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thời điểm này là rất cần thiết, để ngăn chặn sớm nguy cơ đình công, bãi công, đồng thời chặn việc doanh nghiệp lợi dụng mức lương tối thiểu để trả lương lao động thấp hơn.

"Hiện chúng tôi đang khảo sát thu thập, mức sống của người lao động nhằm đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu theo vùng trong bối cảnh hơn 2 năm nay lương chưa được điều chỉnh. Từ 2016-2020, tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%/năm nhưng hai năm vừa qua lương vẫn "neo" mức cũ, không tăng nên năm nay cần xem xét điều chỉnh", ông Quảng nói.

Theo đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc điều chỉnh tiền lương có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có thể gây ra cú sốc chi phí nhất định nhưng tiền lương tối thiểu cũng phải được tính toán để đảm bảo đủ đời sống cho người lao động.

Hiện nay, hướng xác định mức sống của người lao động và gia đình họ cần được nghiên cứu đầy đủ. Trước đây, năm 2018, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 -NQ/TƯ nêu rõ việc xác định mức sống được giao cho cơ quan thống kê công bố. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có thống kê này. Chính vì vậy, rất khó xác định được mức sống tối thiểu để làm cơ sở để nâng lương tối thiểu.

Theo ông Quảng, tới đây, cơ quan này sẽ đề xuất quy định mức tiền lương tối thiểu theo giờ bên cạnh lương tối thiểu theo tháng, vùng. Việc này nhằm đảm bảo đúng thực tế là nhiều lao động hiện nay làm theo giờ, quy định sẽ có độ bao phủ rộng hơn cho mọi đối tượng.

Ông Hồ Quốc Tường, Giám đốc doanh nghiệp may mặc tại Hưng Yên khẳng định, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu có thể ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp sản xuất bởi hiện khá nhiều doanh nghiệp lấy sàn lương tối thiểu theo vùng làm căn cứ xác lập tiền lương cho công nhân.

"Tuy nhiên, lương tối thiểu hiện nay chỉ là căn cứ xác định mức lương lao động, còn doanh nghiệp hiện hầu hết áp dụng lương khoán sản phẩm, lương theo năng suất, hiệu quả nên đa số người thu nhập có mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng", ông Tường nói.

Thực tế, giá xăng tăng cao hiện nay đã kéo theo sự tăng giá gần như đồng thời của nhiều mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, đi lại, vận tải... Điều này ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của người lao động, hộ tiêu dùng. Thậm chí, người lao động làm việc bán thời gian, lao động làm việc chưa có giao kết hợp đồng lao động rất khó khăn do tiền lương thấp, nhiều khoản chi phí tăng cao.

Chị Nguyễn Thị Hòa (công nhân công ty may Quyết Thắng, Hải Dương) than mức lương hiện nay không đủ sống, người lao động phải tăng ca, làm thêm theo giờ.

"Trong khi giá lương thực, thực phẩm biến động, các loại hàng hóa khác tăng theo thì mức tiền lương của công nhân không được điều chỉnh, gây áp lực lên người lao động. Nếu không làm thêm, công nhân không đủ sống. Vì vậy, việc duy trì mức lương tối thiểu lâu có thể là kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, áp mức lương thấp cho công nhân", chị Hòa cho hay.