1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương công chức: Bao nhiêu thì đủ?

Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu chung do Chính phủ ban hành chỉ bảo đảm được phần lương thực, thực phẩm và chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tối thiểu của công chức lao động.

Xung quanh phương án điều chỉnh lương tối thiểu của cán bộ, công chức lên 1.050.000 đồng/tháng, tăng 230.000 đồng so với thời điểm hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mức tăng như vậy vẫn là quá thấp.

 

Chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tối thiểu

 

Đánh giá tình hình thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức từ năm 2003 đến nay, Bộ Nội vụ đã chỉ ra những hạn chế trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung. Theo Bộ, lương công chức chủ yếu mới thực hiện trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức; mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn.

 

Cùng đó, tính toán theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, tiền lương công chức mới chỉ có thể đảm bảo cho nhu cầu tối thiểu về chi tiêu lương thực, thực phẩm, chưa đảm bảo được các chi tiêu khác.

 

Cụ thể, nếu tính theo giá cả năm 2008 thì cơ cấu chi tiêu lương thực, thực phẩm bảo đảm 2.300 Kcal/người/ngày là 52,64% và chi tiêu phi lương thực, thực phẩm là 47,36%. Như vậy, mức lương tối thiểu chung do Chính phủ ban hành chỉ bảo đảm được phần lương thực, thực phẩm và chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tối thiểu của công chức lao động.

 

So sánh mức lương tối thiểu chung với kết quả tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo phương pháp nhu cầu tối thiểu, chưa tính đủ tiền nhà trong tiền lương, cho thấy một khoảng cách khá lớn tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của công chức.

 

Ví dụ, năm 2008, mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định cho khu vực sự nghiệp là 540 nghìn đồng/tháng, trong khi đó mức lương tối thiểu được tính theo nhu cầu tối thiểu của lao động đã lên đến 1.040 nghìn đồng/tháng. Như vậy, lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu tối thiểu.

 

Tương tự, năm 2011, mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định là 830 nghìn đồng/tháng nhưng nhu cầu tối thiểu của lao động thời gian này đã lên tới 1.410 nghìn đồng/tháng, và cũng chỉ đáp ứng được 58% nhu cầu tối thiểu.

 

Thấp hơn lương công nhân

 

Báo cáo tổng kết thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách giai đoạn 2012 - 2020 của Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu giai đoạn 2008 - 2012 đối với cán bộ, công chức còn chậm hơn so với khu vực doanh nghiệp.

 

Mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng thấp nhất là vùng 4 (1.400.000 đồng/tháng ) của khu vực doanh nghiệp.

 

Cụ thể, mức lương tối thiểu 830.000 đồng từ tháng 5/2011 áp dụng đối với cán bộ, công chức chỉ bằng 59,3% vùng 4 – vùng thấp nhất (vùng có thị trường lao động kém phát triển nhất như các huyện nghèo…) và bằng 41,5% vùng 1 - vùng cao nhất (vùng có thị trường lao động phát triển nhất như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…).

 

Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, với mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức như trên, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, chưa đủ để cán bộ, công chức sống bằng tiền lương.

 

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đưa ra nhận định, khi lương tối thiểu thấp hơn mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường sẽ dẫn tới hệ lụy khó thu hút được người có tài năng vào làm cán bộ, công chức, chưa tạo ra động lực cho cán bộ, công chức tận tâm, gắn bó với công việc của mình và chưa tạo điều kiện cho việc cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng,…

 

Bao nhiêu thì đủ?

 

Cần được điều chỉnh để thu hút nhân tài vào môi trường nhà nước, để công chức có tâm và có trách nhiệm hơn trong công việc, nhưng lương công chức đang phụ thuộc vào ngân sách. Vì thế, điều chỉnh thế nào cho hợp lý là vấn đề không đơn giản.

 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lo nếu lương tối thiểu của công chức được điều chỉnh tăng lên 1.100.000 đồng, có nghĩa là ngân sách phải chi trả thêm 11.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, sẽ gây áp lực cho ngân sách vốn đang khó khăn.

 

Còn theo ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lộ trình cải cách tiền lương chủ yếu phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội. Hiện nay, quỹ lương công chức, viên chức chiếm khoảng 40% tổng thu của ngân sách Nhà nước. Vì thế, nếu tăng lương khu vực này lên cao quá, thì gần như toàn bộ ngân sách chỉ để trả tiền lương.

 

Về vấn đề này, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho rằng, không thể so sánh lương trong khu vưc sự nghiệp và lương doanh nghiệp. Bởi, cán cán bộ công chức nhà nước và lao động trong khu vực doanh nghiệp thuộc hai quan hệ lao động khác nhau. Nếu lao động phổ thông được trả lương theo quan hệ thị trường thì đối với công chức, ngoài tiền lương còn có rất nhiều chế độ ràng buộc. Lương tối thiểu của công chức còn được nhân với hệ số cấp bậc, chức danh và rất nhiều chế độ phụ cấp công vụ, thâm niên, nghề nghiệp khác...

 

Theo ông Cường, hiện có nhiều phương pháp tính toán khác nhau về mức lương tối thiểu vừa thỏa mãn nhu cầu tối thiểu của công chức, vừa phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách. Tuy nhiên, sẽ rất khó để tính đúng, tính đủ nhu cầu sống của con người.

 

“Thời điểm này, ban chỉ đạo nhà nước về cải cách tiền lương đang ngồi lại tính toán tìm ra được phương án cải cách tiền lương sao cho nhằm cải thiện được đời sống cán bộ công chức. Theo kế hoạch, tháng 12 Bộ Nội vụ sẽ phải trình Chính phủ phương án cải cách cơ bản chính sách tiền lương công chức nhà nước giai đoạn 2012-2020”, ông Cường nói.

 

Theo Vũ Quỳnh
VnEconomy