Khoảng cách lương tối thiểu và mức sống tối thiểu ngày càng rộng
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Thống kê cho thấy, 80% số cuộc đình công diễn ra trong từ đầu năm 2011 đến này xuất phát từ tiền lương, tiền thưởng thấp.
Theo quyết định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/ tháng. Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) thống nhất: Vùng I: 2 triệu đồng; vùng II: 1,78 triệu đồng; vùng III: 1,55 triệu đồng; vùng IV: 1,4 triệu đồng.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại diện Viện Công nhân - Công đoàn, mức điều chỉnh hợp nhất LTT khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được mới được áp dụng là là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên, mức điều chỉnh đó cũng chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Trên thực tế, sau nhiều lần điều chỉnh và lựa chọn phương án LTT ở mức thấp, đã dẫn đến khoảng cách giữa LTT và mức sống tối thiểu ngày càng rộng ra. Việc trả lương thấp, không tương xứng với công sức của người lao động đã dẫn đến quan hệ lao động căng thẳng và đình công gia tăng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp FDI. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra khoảng 200 cuộc đình công và 80% trong số đó đều có nguyên nhân từ tiền lương, tiền thưởng.
Nhiều chuyên gia cũng trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội cùng nhận định mức lương hiện tại áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực đời sống của người lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận, tiền lương đang là một trong những công việc khó khăn nhất của Việt Nam. Về cơ chế điều hành, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung ngày càng phụ thuộc vào ngân sách.
P. Thanh