Lương cao có đủ sức hút nhân tài?

Nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành một quyết định mang tính đột phá.


Theo đó, các chuyên gia khoa học công nghệ trong nước và người gốc Việt Nam ở nước ngoài vào làm việc tại Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học được hưởng mức lương theo thỏa thuận với đơn vị, có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng…

Đương nhiên kèm theo khoản thu nhập không nhỏ ấy là các yêu cầu như: Phải là các chuyên gia có trình độ tiến sĩ, có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của thế giới, có sáng chế được công nhận...

Với giới khoa học công nghệ, đây là một thông tin mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, nhiều năm qua, những người làm khoa học của đất nước vẫn nhận một mức lương có thể xếp vào loại thấp trong hệ thống tiền lương công chức, viên chức. Thậm chí như một số người vẫn nói: Lương của nhiều nhà khoa học không bằng lương ô sin...

Và điều này đã dẫn đến một thực tế là rất nhiều trí thức có trình độ chuyên môn cao đã bỏ cơ quan nhà nước đi làm cho công ty nước ngoài hay ra nước ngoài làm việc. Trong bối cảnh vận động mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức hiện nay, tình trạng "chảy máu chất xám" ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Một nhà khoa học Việt kiều cho rằng: Mức thù lao 150 triệu đồng/tháng tương xứng với công sức của các chuyên gia giỏi, nhất là những người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc. Giới khoa học cũng kỳ vọng từ những chính sách thu hút nhân tài như vậy, đất nước có thêm cơ hội, điều kiện để phát triển các ngành khoa học công nghệ cao.

Tuy nhiên, có thể thấy, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng có thể trả lương như vậy, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn ngân sách hiện nay. Như vậy, để phát triển bền vững nền khoa học - công nghệ, Nhà nước cần tạo ra những cơ chế mở để những người làm khoa học có thể "sống" bằng khoa học và toàn tâm, toàn ý với khoa học.

Nếu không tạo ra mức thu nhập phù hợp, không thể thu hút và giữ chân nhân tài. Nhưng chỉ thu nhập thôi - chưa đủ. Thực tế cho thấy, không ít nhà khoa học Việt kiều nung nấu ý nguyện phụng sự Tổ quốc, phục vụ quê hương, nhưng khi trở về không có phương tiện nghiên cứu, không có phòng thí nghiệm tối thiểu để làm việc, để khởi đầu hay thực thi ý tưởng khoa học nên lại rũ áo ra đi.

Cũng có người nhiều năm làm việc ở nước ngoài, nên không thể thích nghi với những ràng buộc của một cơ chế cồng kềnh, môi trường khoa học thiếu chuyên nghiệp và nhiều khi là cả cung cách ứng xử trong các cơ quan khoa học của Nhà nước… Họ đành chọn con đường cho riêng mình.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy: Thu nhập chỉ là một phần trong câu chuyện thu hút nhân tài. Một nhà khoa học nói rằng: Điều quan trọng nhất đối với người trí thức chân chính có đủ điều kiện tối thiểu để làm việc và được yên ổn để làm việc. Như vậy, khi chưa hội tụ được các yếu tố như điều kiện, cơ chế làm việc, môi trường sống, cách ứng xử giao tiếp… phù hợp, thì rất khó thu hút và giữ chân nhân tài.

Sáng tạo chính là nguồn lực phát triển. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã gặt hái nhiều thành công từ các chính sách thu hút nhân tài, chúng ta có thể học họ và tìm lối đi phù hợp.
Theo Báo Hà Nội mới