Lợi thế nhân công giá rẻ dần về tay các nước Đông Nam Á

Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh khi giá nhân công cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg cho hay, các nền kinh tế Đông Nam Á đang tăng sức cạnh tranh để lọt vào “tầm ngắm” của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới, trong đó có lợi thế về nhân công giá rẻ.

Nhân công giá rẻ đang thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất, khiến họ phải cân nhắc khả năng di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)
Nhân công giá rẻ đang thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất, khiến họ phải cân nhắc khả năng di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh về giá cả lao động khi mức lương bình quân của công nhân cao gần gấp đôi so với các quốc gia láng giềng là Việt Nam và Philippines.

Trung bình, lương nhân viên văn phòng tại Trung Quốc ước tính khoảng 21.000 USD/năm, cao hơn các quốc gia Đông Nam Á khoảng 30%, theo số liệu báo cáo hoạch định tiền lương toàn cầu của WTW trong giai đoạn 2015 - 2016.

Sambhav Rakyan, trưởng ban dịch vụ dữ liệu cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương của WTW, cho biết trong thời gian gần đây, tiền lương ở Trung Quốc đã tăng lên, trong khi mức lương ở các nước Đông Nam Á vẫn ở mức khiêm tốn.

“Tiền lương thấp trong các nền kinh tế ASEAN đang đem lại cho họ một lợi thế cạnh tranh thực sự, và điều này sẽ khiến các công ty phải cân nhắc liệu họ có nên chuyển các nhà máy tại Trung Quốc hay không. Lực lượng lao động lão hóa và đang giảm sút của Trung Quốc sẽ khiến cho tiền lương tăng cao hơn so với khu vực ASEAN,” Sambhav Rakyan nhận định.

Vị chuyên gia này cũng cho hay, tiền lương đã tăng lên ở Trung Quốc và cũng sẽ được nâng lên ở Việt Nam trong 10 năm nữa, và có thể sau đó tại Myanmar cũng sẽ tăng.

Theo VOV.VN