Hiểu đúng về "lao động giá rẻ" khi hội nhập

(Dân trí) - “Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh thị trường lao động và hoạt động dịch vụ việc làm, xem xét việc áp dụng các quy định pháp luật về cho thuê lại lao động, cũng như chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm…”.

Đây cũng là nội dung chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tập đoàn Manpower giai đoạn 2015-2018, chương trình tổ chức sáng 12/5 tại Hà Nội. Ông Simon Mathews, đại diện của tập đoàn tại buổi lễ cho biết thêm những nhận định về thị trường lao động Việt Nam thời gian tới.

Thưa ông, Việt Nam đang chuẩn bị những bước đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như Cộng đồng kinh tế Asean cuối năm 2015 (AEC). Vậy khái niệm “lao động giá rẻ” tại thị trường Việt Nam liệu sẽ còn là một lợi thế khi hội nhập?

- Tôi cho rằng việc dùng khái niệm “lao động giá rẻ” chưa phản ánh đúng được vấn đề. Việt Nam thực sự đang có một nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động tiết kiệm chứ không phải là lao động giá rẻ.

Để chuẩn bị tốt cho sự hội nhập, tôi cho rằng Việt Nam cần tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, đồng thời gấp rút đào tạo nâng cấp kỹ năng lao động. Điều này giúp cho lao động có thể làm việc được trong những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Đồng nghĩa với thu nhập sẽ cao.

Lao động Việt Nam phần lớn còn hoạt động trong lĩnh vực lao động nông nghiệp. Thời gian tới, các bạn có thể chú trọng hội nhập bằng cách chuyển dịch nguồn lao động này sang lĩnh vực lao động kỹ thuật cao, có thể tham gia những ngành nghề có kỹ thuật và kỹ năng cao hơn.

Dịch chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật cao sẽ tăng giá trị nguồn lao động

Dịch chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật cao sẽ tăng giá trị nguồn lao động

Như vậy, thay vì khái niệm “lao động giá rẻ”, vậy các nhà hoạch định chính sách việc làm cần chú trọng tới điều gì khi hội nhập, thưa ông?

- Tôi sẽ không nói từ “lao động giá rẻ” mà nói tới hiệu quả, năng suất lao động. Thay vào đó, chúng ta cần trả lời những câu hỏi quan trọng như: Làm thế nào để có thể tăng được năng suất lao động cho người lao động? Trong một giờ họ có thể làm được bao nhiêu sản phẩm?...

Câu chuyện được quan tâm là năng suất lao động và tính hiệu quả trong lao động chứ không tới lao động giá rẻ hay đắt nữa.

Một vấn đề nữa là công nghệ. Khi công nghệ phát triển thì sẽ thay thế được một khối lượng lao động lớn. Chính vì vậy, chúng ta cũng cần phải quan tâm tới điều này để có thể nâng tầm lao động để sử dụng được công nghệ.

Nếu thực hiện được việc đào tạo nhân lực có tay nghề và điều chỉnh sang lĩnh vực kỹ thuật cao, VN có thể làm và cạnh tranh được với nhiều nước trong khu vực Asean. Đơn cử như tại Thái Lan, giá ngày công lao động trung bình là 10 USD/ngày. Với sự điều chỉnh trên, tôi nghĩ Việt Nam sẽ có thể cạnh tranh được.

Ông Simon Mathews
Ông Simon Mathews

Ông có nhắc tới việc người lao động cần chú trọng các kỹ năng trong quá trình hội nhập?

- Kỹ năng có 2 vấn đề. Kỹ năng mềm và cứng. Trong đó, kỹ năng cứng là khung năng lực và người lao động có thể được trang bị qua việc đào tạo. Kỹ năng mềm cần chú ý hơn nữa, ví dụ: Thái độ làm việc, sự cống hiến cho công việc, sự chăm chỉ làm việc và sự gắn bó với công ty…Đó là cách chúng ta phải đào tạo ngay từ ban đầu.

Trên cơ sở đó, đứng từ góc độ của nhà tuyển dụng, quan điểm của tôi là không cần quá tập trung tuyển người đã được đào tạo kỹ năng cứng chính xác mà cần tuyển từ nhiều nguồn, chú ý thái độ, kỹ năng mềm có hợp với văn hóa của công ty.

Bên cạnh kỹ năng làm việc, tôi cho rằng lao động Việt Nam cần chú trọng tới kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Có thể so sánh điều này ở các nước trong khu vực Asean. Philippin là một ví dụ: Nguồn nhân lực của họ sử dụng kỹ năng tiếng Anh tốt nên công tác xuất khẩu lao động khá thận lợi.

- Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện