Quảng Nam:

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc "nhà nghèo", giờ thành đặc sản ra tiền

Hoài Sơn

(Dân trí) - Dầm mình hàng giờ liền trong bùn đất, chui bờ rúc bụi, chịu cảnh vỏ tay chân thường xuyên tứa máu… là đặc trưng công việc của những người làm nghề nhặt ốc lác ven sông Bàn Thạch ở Quảng Nam.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 1

Tầm 16h mỗi buổi chiều, khi nước rút xuống để lộ những bãi bùn lớn, nhóm của bà Trương Thị Bé (43 tuổi, trú tại phường An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) lại tiến về khúc sông Bàn Thạch để nhặt ốc lác, ốc gạo.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 2

Đồ nghề cho mỗi chuyến đi săn ốc vô cùng đơn giản, chỉ cần một vỏ bao hay túi nilon đựng "chiến lợi phẩm", một đôi tất lội bùn và chiếc mũ che nắng.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 3

Bà Bé cho biết, ốc lác là loài thủy sản nước lợ, có hình dáng giống ốc bươu nhưng thân hình tròn và nhỏ hơn, có vỏ và nắp miệng cứng hơn. Ốc thường nằm rải rác trên bãi đá, dưới các gốc cây, bụi cỏ ven bờ sông.

Băng sông, lội bùn, vạch cỏ tìm ốc lác

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 4

"Ốc lác có quanh năm, nhưng nhiều nhất là những tháng hè. Trước đây, loài này được gọi là ốc "nhà nghèo" vì nhiều nhưng lại không có giá trị về kinh tế. Khi đó, lúc rảnh tôi thường tìm nhặt ốc này để về làm món ăn", bà Bé chia sẻ.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 5

Vài năm trở lại đây, ốc lác được nhiều người ưa chuộng mà lại trở nên khó tìm ngoài tự nhiên. Vì thế, nhặt ốc lác, ốc gạo đã trở thành một nghề kiếm thêm thu nhập lúc rảnh của nhiều người dân sống ven sông Bàn Thạch.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 6

"Ốc lác giờ hiếm lắm, năm nay không biết con nước ra sao mà ốc không có luôn. Chiều giờ đi còng lưng, mỏi gối mà tôi chỉ bắt được 3 lon ốc (gần 1kg), bán chỉ được hơn 70.000 đồng", bà Bé than.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 7

Nhỏ tuổi nhất trong nhóm người đi bắt ốc lác, em Phạm Nguyễn Thùy Quyên (15 tuổi) chia sẻ, thời gian này đang nghỉ hè nên em thường theo chân các chị đi bắt ốc kiếm thêm thu nhập và làm đa dạng bữa ăn của gia đình.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 8

Theo em Quyên, muốn bắt được ốc phải đi lúc nước vừa rút xuống để lộ ra các rễ cây, bụi cỏ, bãi đá, nơi ốc ẩn nấp. Ốc di chuyển rất chậm nên chỉ cần tìm được bãi là có thể bắt được.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 9

Người bắt ốc phải chịu khó và kiên trì. Vì dầm mình hàng giờ liền trong bùn đất nên rất mỏi, chưa kể phải liên tục chui vào bụi cây, vạch cỏ để tìm ốc, rất dễ đụng rắn và các động vật nguy hiểm khác.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 10

"Cái nghề này cực lắm anh ơi. Người toàn mùi bùn, đôi lúc tất bị rách, phải lội chân không cả buổi, vỏ sìa, rễ cây cứ thế cứa đến tứa máu. Nhiều người thậm chí dẫm phải mảnh chai, về đau cả mấy ngày liền", Quyên nói.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 11

Ở một chỗ khác, bà Phạm Thị Học (45 tuổi) cho hay, giờ ốc lác thành đặc sản, rất khó tìm nên khi bắt được, người dân không nhất thiết phải mang ra chợ bán. Nhiều người chọn đem ốc về nhà chế biến món ăn cho gia đình.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 12

"Hôm nay tôi bắt được 2 lon ốc (khoảng 0,5kg). Các tiểu thương mua ốc này với giá 20.000 - 25.000 đồng/lon. Số ốc này đem bán cũng được vài chục nghìn đồng nhưng tôi để ăn chứ bây giờ ốc này khó tìm, bán cũng tiếc lắm", bà Hai thổ lộ.

Lội bùn, vạch cỏ tìm loại ốc nhà nghèo, giờ thành đặc sản ra tiền - 13

Ốc lác sau khi bắt được sẽ ngâm với nước gạo, sau đó có thể đem xào hoặc hấp sả ớt. Vị của ốc lác rất khác biệt, thịt ốc giòn dai, đuôi ốc lại béo. Đây quả thực là một món ăn "nhà nghèo" mà thành đặc sản hiếm có, khó tìm.