Loại phụ cấp nào để tính đóng BHXH từ 1/1/2016?

(Dân trí) - Còn 6 ngày nữa - ngày 1/1/2016 - doanh nghiệp sẽ đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp. Vậy trong hơn 50 phụ cấp hiện có, khoản nào sẽ được cho vào “giỏ” tính BHXH. Dù thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH chưa ban hành nhưng thông tin về loại phụ cấp sẽ được tính BHXH đã hé lộ.


Từ 1/1/2016, việc đóng BHXH sẽ áp dụng theo mức lương và phụ cấp ghi trong HĐLĐ.

Từ 1/1/2016, việc đóng BHXH sẽ áp dụng theo mức lương và phụ cấp ghi trong HĐLĐ.

Giảm nhân sự hay đổi tên phụ cấp?

Thông tin về việc từ ngày 1/1/2016, cách tính BHXH sẽ bao gồm thêm phần phụ cấp đã được công bố cách đây nhiều tháng. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp không hề ngạc nhiên hay bất ngờ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Với cách tính mới này, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm một nguồn kinh phí để tính cho khoản BHXH của phụ cấp. Và doanh nghiệp có chịu được mức “nhiệt”?

Đây là vấn đề nhạy cảm với nhiều doanh nghiệp. Mặc dù hệ thống tài chính của từng doanh nghiệp đã có những phương án chủ động, chứ không chờ tới khi thông tư hướng dẫn cách tính BHXH theo quy định mới được ban hành.

Anh Khuất Đức Tuấn - một chủ doanh nghiệp may ở Bắc Ninh - cho rằng, dù có tăng mức đóng lên, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp lại chọn cách cắt giảm nhân sự để hạn chế việc đóng, tiết kiệm kinh phí.

“Chọn cách giảm nhân sự chỉ vì tăng mức đóng BHXH, không khác gì việc tự bắn súng vào chân mình! Chúng tôi đang thực hiện các đơn hàng của khách tới Quý 2/2016. Nhân sự không làm kịp khiến hàng giao chậm Cty còn bị phạt. Vậy sao lại tính giảm nhân sự đi được” - anh Khất Đức Tuấn nói.

Vị chủ doanh nghiệp cũng bổ sung: “Doanh nghiệp nào đó đòi giảm nhân sự vào thời điểm này có lẽ do làm ăn thua lỗ hoặc quản trị kém chứ khó có thể vì sợ tăng mức đóng BHXH sau ngay 1/1/2016”.

Theo một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội, việc gia tăng nguồn kinh phí sẽ là thách thức. Nhưng doanh nghiệp dường như cũng có “bài” riêng để lách hoặc trốn. Phương án đơn giản nhất mà nhiều doanh nghiệp đang tính tới là “tái cấu trúc cơ cấu thu nhập”.

“Không ít doanh nghiệp sẽ dùng chiêu ký lại hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động để điều chỉnh 1 phần hoặc toàn bộ phụ cấp, qua đó hạn chế gia tăng kinh phí đóng BHXH. Với một doanh nghiệp có từ 3.000-4.000 lao động, khoản trốn đóng có thể lên tới tiền trăm triệu đồng” - một chuyên gia về lao động tiền lương dự báo.

Cũng theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp có thể đổi tên phụ cấp hiện có thành các khoản thu nhập bổ sung. Người lao động vẫn được hưởng nhưng cơ quan chức năng lại không thể thu được mức phí đóng BHXH.

Tại các sổ lương của doanh nghiệp đang có rất nhiều loại phụ cấp: Phụ cấp xăng xe, điện thoại, độc hại, chức vụ, trang điểm, khu vực, chuyên cần…Doanh nghiệp có thể “mày mò” để đổi tên thành thu nhập theo kết quả công việc, thu nhập theo mức độ hoàn thành công việc (KPI)...

Hiện có tới hơn 50 loại phụ cấp, nhiều loại phụ cấp được coi là “đầu vào” như: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp độc hại…Nhưng cũng có những “phụ cấp” đầu ra như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp bổ sung công việc…Đây chính là bài toán cho các chuyên gia xây dựng chính sách thu BHXH theo phụ cấp.

“Tất nhiên, số doanh nghiệp dùng những biện pháp xấu như trên sẽ không nhiều. Với lộ trình được luật hóa, việc đóng BHXH trên mức lương và phụ cấp giai đoạn năm 2016-2017. Doanh nghiệp sẽ có thời gian “chạy đà” để chuẩn bị nguồn lực tuân thủ việc đóng BHXH trên mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung vào năm 2018” - ông Lê Phú Sơn, chủ một doanh nghiệp đồ gỗ tại Hà Nội cho biết.

Theo một chuyên gia lao động tiền lương, nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động đều đã có lộ trình riêng trong việc sử dụng ngân sách đáp ứng việc tăng mức đóng BHXH. “Thông thường, doanh nghiệp có thể dành từ 3-5 % tổng quỹ lương đóng BHXH từ nay tới năm 2018” - một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội bật mí.

Phụ cấp tính BHXH sẽ là phụ cấp “đầu vào”

Trong một nỗ lực để hoàn thiện chính sách hướng dẫn đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH từ ngày 1/1/2016, Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Theo ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH sẽ làm “nền” cho một thông tư sẽ được ban hành tới đây quy định các loại phụ cấp đóng BHXH.

“Trên cơ sở phân định phụ cấp thành 2 phần: Phụ cấp “đầu vào” và phụ cấp “đầu ra”, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH sẽ giúp các chuyên gia xây dựng thông tư tới đây chọn ra loại phụ cấp cho vào “giỏ” tính BHXH theo quy định mới sau ngày 1/1/12016”  - ông Tống Văn Lai giải thích.

Chuyên gia về tiền lương này cũng bổ sung, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH đã có quy định cụ thể mức lương, phụ cấp, bổ sung.

Theo Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH,  các khoản phụ cấp lương mà người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động:

- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. (tạm hiểu là phụ cấp “đầu vào”)

- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. (tạm hiểu là phụ cấp “đầu vào”)

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Có những loại phụ cấp “đầu ra” của một công việc thực hiện từ tháng 2 nhưng tới tháng 6,7 mới nhận được. Vậy nếu căn cứ vào “đầu ra” sẽ rất khó thực hiện”.

Vị nữ vụ trưởng Vụ BHXH khẳng định: Thông tư được ban hành trong vòng 3-5 ngày tới sẽ căn cứ vào phụ cấp “đầu vào” thay cho việc tính cả “phụ cấp” đầu ra”.

“Trên cơ sở Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, chúng tôi sẽ xác định các khoản phải đóng BHXH đều được xác định trước số tiền, không quá biến động từng tháng. Điều này nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và cơ quan bảo hiểm trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng và quản lý BHXH” - bà Nga giải thích.

Các khoản khác như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại , nhà ở, nuôi con nhỏ…dự kiến sẽ không được đưa vào “giỏ” tính đóng BHXH.

"Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 115 về việc đóng BHXH bắt buộc vào trong từ 3-5 ngày tới. Doanh nghiệp vẫn có thể quy chiếu để thực hiện theo đúng thời điểm của luật BHXH mới có hiệu lực từ 1/1/2016” - bà Trần Thị Thúy Nga nói.

Tăng hậu kiểm để hạn chế việc trốn đóng BHXH cho các khoản phụ cấp.

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội):

“Từ năm 2016, Luật BHXH quy định người lao động được quản lý sổ BHXH. Đồng thời, định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH.

Như vậy, không thể có chuyện người lao động không biết việc doanh nghiệp đóng BHXH cho mình theo mức nào và các khoản nào. Vấn đề ở đây là người lao động phải ý thức được lợi ích: Việc tăng thêm nội dung đóng BHXH sẽ giúp họ đảm bảo mức lương hưu cao hơn, các chế độ trợ cấp rủi ro như tai nạn, thất nghiệp, thai sản…

“Vỏ quít dày gặp móng tay nhọn”, ngành BHXH cần tăng cường công tác hậu kiểm để hạn chế việc lách trốn đóng BHXH. Đơn giản nhất là khi cơ quan chức năng khi vào cuộc, việc phát hiện sự chênh lệch giữa mức lương cơ bản trong hợp đồng lao động để đóng BHXH và mức lương thực lĩnh là không khó. Căn cứ theo quy định để xác định lại phần vênh ra xem khoản nào là phụ cấp, khoản nào là phần hỗ trợ…”

Hoàng Mạnh