Lỡ chọn sai nghề...
(Dân trí) - Bạn đang làm nghề mình yêu thích? Hay bạn chỉ thực sự đến với công việc này vì kế sinh nhai? Nếu bạn không thấy thoả mãn với nghề nghiệp của chính mình thì rất có thể đó là vì bạn đã chọn sai nghề.
Sự không thoải mái có thể xảy ra khi bạn phải làm việc gì đó không như mong muốn, nhưng cũng có thể vì bạn chưa sống với tất cả những tiềm năng trọn vẹn của mình.
Bạn cảm nhận rất rõ điều này khi sau bao nỗ lực, bạn bắt đầu băn khoăn không hiểu tại sao mình không làm một việc gì khác. Liệu chúng ta có thể thay đổi được điều này trong công việc?
Dưới đây là 7 bước giúp bạn thực hiện điều đó:
1. Tin rằng bạn đã tìm được công việc yêu thích
Nghe thì có vẻ rất “vớ vẩn” nhưng quả thực rất nhiều người đã phản đối khi chúng ta nói rằng việc họ cố gắng yêu thích công việc là điều có thể. Người ta thường bảo tôi đã cố gắng để làm gì đó khác đi nhưng chẳng ăn thua. Vậy là họ bỏ cuộc. Nhưng chúng ta hiểu rằng ở góc độ sâu xa của vấn đề, họ mong muốn một điều gì đó tốt hơn. Hãy ngừng mơ mộng và bắt đầu tin tưởng. Đây là bước đầu đầu tiên và là điều kiện đủ để đưa bạn tiến lên phía trước.
2. Đừng chờ đợi công việc mơ ước sẽ được “trời cho”
Đã bao giờ bạn quan sát xung quanh và thầm ghen tỵ với một số người có được công việc trong mơ của họ chưa? Hẳn là ai cũng từng có một lần như thế. Nhưng những người có được công việc trong mơ ấy lại có một điểm chung thế này: Họ biết rằng họ đã quá mệt mỏi vì những điều không vui và quyết định phải làm gì đó để thay đổi. Họ chịu trách nhiệm về những điều không hay ho trong công việc và quyết định thay đổi chúng. Họ hiểu rằng công việc trong mơ sẽ không bỗng dưng xuất hiện và họ chọn cách theo đuổi những gì mình muốn. Nếu họ có thể làm được thì bạn cũng vậy.
3. Quyết định những điều bạn muốn
Bạn muốn công việc tới của bạn sẽ như thế nào? Nó sẽ cùng ngành với công việc đang làm hay khác ngành? Bạn sẽ mở công ty riêng? Hay bạn sẽ làm công việc tư vấn để có nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và cho chính bản thân bạn? Đây chính là điểm hầu hết mọi người đều “khựng” lại vì không biết làm gì. Nỗi lo lắng về việc phải thanh toán các hoá đơn hàng tháng lấn át tâm trí họ. Những nghi ngờ về việc ai đó sẽ trả tiền sinh hoạt cho họ nếu chuyển ngành, đổi công việc, v.vv. thường xuyên xáo trộn suy nghĩ họ.
Quả thực đây là những lo lắng có thật. Nhưng nếu bạn chờ cho tới khi mọi vấn đề tiểu tiết đó được hình dung đầy đủ trước thì bạn sẽ mãi mãi làm công việc hiện tại trong suốt phần đời còn lại của bạn. Hãy quyết định xem bạn muốn gì và viết ra giấy. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình vừa phác thảo một kế hoạch tuyệt vời cho tương lai của mình đó.
Hãy dành thời gian này để khám phá tất cả những khả năng bạn nghĩ có thể dành cho bạn. Dành thời gian tìm hiểu trên Internet, đọc sách, tạp chí, v.v. Hãy hành động như thể không có bất cứ trở ngại nào và bạn không thể thất bạn. Hãy dồn tất cả bản thân vào niềm vui kiến tạo tương lai của mình.
5. Chia sẻ với những người thân
Hãy chia sẻ với những người thân của bạn về việc chuyển đổi ngành nghề sắp tới, cách này sẽ giúp ý tưởng đó luôn mới mẻ trong tâm trí bạn. Nó cũng sẽ trở nên thực tiễn hơn khi bạn nghe đi nghe lại ý tưởng này vài lần. Thêm nữa, có thể bạn sẽ không biết những ý tưởng và đề xuất tuyệt vời tiếp theo đến từ những ai đâu. Hãy để người thân hỗ trợ bạn như bạn đã từng giúp họ trong cuộc sống.
6. Xây dựng các mục tiêu có thể đạt được
Những mục tiêu trước mắt của bạn là gì? Những mục tiêu ngắn hạn? Những mục tiêu dài hạn? Việc thiết lập một danh sách các mục tiêu đó sẽ truyền cảm hứng cho bạn khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Nó cũng sẽ tạo ra cho bạn một viễn cảnh nếu bạn tự nhủ rằng mình nên làm hơn nữa. Bằng cách đưa ra các ưu tiên và kế hoạch phù hợp, bạn có thể tập trung vào các nhiệm vụ của mình.
Những ý tưởng khác có thể xuất hiện song bạn phải quyết định xem chúng sẽ mở rộng mục tiêu của bạn hay cản trở bạn. Hãy loại bỏ những gì tạo ra sức “ỳ” cho bạn và bám sát những điều sẽ đưa bạn tiến lên phía trước.
7. Chọn một ngày cụ thể
Khi nào bạn sẽ bắt đầu một công việc mới? Có nhiều nhân tố giúp xác định thời điểm nào thì điều này thực sự bắt đầu nhưng hãy tự đề ra cho mình một ngày cụ thể. Chẳng hạn khi bạn chọn một ngày nhất định cho kỳ nghỉ thì bạn sẽ luôn hướng tới thời điểm đó trong tương lai. Bạn lên kế hoạch và sắp xếp mọi việc để có thể đi được. Bạn hình dung ra mình sẽ vui sướng như thế nào và những ngày nghỉ sẽ ngập tràn niềm vui. Điều tương tự có thể diễn ra với công việc của bạn.
Bạn hãy khẳng định một thời điểm bạn bắt đầu công việc mới và làm mọi việc để có thể thực hiện được điều đó.
Đỗ Dương
Theo Fabjob