Lo chất lượng đào tạo bác sĩ
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được Bộ GD - ĐT cấp phép đào tạo hệ chính quy hai ngành y đa khoa và dược học. Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của xã hội vì một trường có thế mạnh đào tạo về quản trị và kinh doanh, nhưng lại được mở thêm ngành y, dược- ngành được xem là cần những điều kiện đặc thù.
Con yêu, con ghét ?
Ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, ngành Y đa khoa (mã số 52720101) và Dược học (mã số 52720410).
Thông tin này được cộng đồng mạng cũng như giới y học chia sẻ rất nhiều. Đa số đều tỏ ra ngạc nhiên bởi y, dược là một ngành đặc thù về nhân sự và cơ sở vật chất. Hơn nữa, nhiều người cũng tỏ thái độ bất bình, cho rằng Bộ “con ghét, con yêu” khi cho phép trường một “cơ chế đặc thù” như vậy, khi cuối năm 2014 đã khẳng định tạm dừng xem xét việc mở ngành đào tạo trong lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi liệu có sự ưu ái đặc biệt nào hay không? bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởngg Vụ Giáo dục đại học và sau đại học cho biết: Đào tạo ngành y, dược đặc biệt hơn so với các ngành khác nên cuối năm 2014, Bộ GD- ĐT đã có Công văn 6975/BGDĐT-GDĐH ngày 3/12/2014 gửi cho các cơ sở đào tạo về việc tạm ngừng mở một số ngành thuộc khối khoa học sức khỏe để rà soát, quy hoạch lại; trừ những trường hợp đặc biệt hai bộ sẽ xem xét.
Cách đây hơn 2 năm, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đề nghị được mở hai ngành y đa khoa và dược nhưng vào thời điểm đó, Bộ GD - ĐT chưa xem xét.
Trong khoảng thời gian này, ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã chuẩn bị trang thiết bị để đào tạo hai ngành y, dược với hơn 80 tỉ đồng và tuyển dụng, trả lương để duy trì đội ngũ giảng viên. Trường vẫn tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD- ĐT cho phép đào tạo.
Lãnh đạo Bộ đã chỉ định các đơn vị thuộc hai bộ thẩm định trực tiếp theo quy trình đặc biệt này. Sau khi thẩm định, các điều kiện mở ngành y đa khoa và dược của trường đều trên chuẩn quy định. Do đó, Bộ đồng ý cho trường mở hai ngành này.
Như vậy, một vấn đề khác tiếp tục được đặt ra là nếu các trường khác cũng đủ điều kiện để mở hai ngành này thì Bộ GD - ĐT có đồng ý hay không, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Các trường ĐH công lập khi thành lập đã xác định chức năng, nhiệm vụ của trường.
Nếu trường công mở ngành không phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nhu cầu của nguồn nhân lực thì Bộ GD- ĐT sẽ không xem xét. Còn các trường ngoài công lập thì chức năng, nhiệm vụ, định hướng ngành nghề đào tạo do các nhà đầu tư xác định và những nội dung này có thể thay đổi. Nếu ở thời điểm này, các trường đa ngành đăng ký mở ngành y, dược thì ngoài hai nội dung vừa nêu, nếu xem xét, Bộ sẽ thực hiện theo Công văn 6975 /BGDĐT-GDĐH ngày 3/12/2014.
Theo GS. TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ: Việc mở ngành y, dược đã được trường chuẩn bị từ năm 2012. Trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và mời các giáo sư, bác sĩ uy tín giảng dạy.
Trường sẽ tổ chức thi tuyển hai ngành Y đa khoa và Dược theo các tổ hợp môn: Toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh, toán - lý - sinh. Trường xét tuyển những thí sinh đạt 20 điểm trở lên và không có môn nào dưới điểm 5; không xét tuyển dựa trên học bạ và điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia. Việc tuyển sinh chính thức bắt đầu vào năm 2016, dự kiến sẽ lấy 100 chỉ tiêu.
Nỗi lo về năng lực đào tạo
Một vấn đề nữa được những người trong giới quan tâm khi trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở ngành đào tạo y, dược, đó là vấn đề năng lực đào tạo, nhất là trong bối cảnh văn bằng bác sĩ do Việt Nam đào tạo chưa được quốc tế công nhận.
Với đầu vào được xét tuyển từ 20 điểm theo quy định của trường, chắc chắn sẽ có sự chênh lệch rất lớn về điểm số với các trường đào tạo y, dược hàng đầu hiện nay thường là 28 - 29 điểm cho 3 môn học). “Hiện ở nước phát triển có tỷ lệ 30 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi Việt Nam là 7 bác sĩ/1 vạn dân.
Rõ ràng chúng ta đang rất thiếu nhân lực y tế. Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng đào tạo, nhưng quan trọng nhất là phải có được nguồn nhân lực có chất lượng. Băn khoăn của dư luận về chất lượng đào tạo cũng là hoàn toàn chính đáng, bởi ngành y là ngành đặc thù có những tiêu chí riêng khi đào tạo”, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhận định.
Được biết, tới đây Bộ Y tế và Bộ GĐ - ĐT sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và tư thục đang được đào tạo ngành y, dược. Cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện do Bộ Y tế đề xuất, Bộ Y tế sẽ kiến nghị cho ngừng tuyển sinh.
“Bộ Y tế cũng đang đề xuất và xây dựng chính sách trong đó sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề theo thông lệ quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo ý thức sâu sắc về việc đảm bảo chất lượng đào tạo và có tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội và sinh viên của mình. Hiện văn bằng bác sĩ do Việt Nam đào tạo chưa được các nước trong khu vực chấp thuận”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong bối cảnh như vậy, việc được cấp phép của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội rõ ràng khiến dư luận phải đặt câu hỏi.
Theo baotintuc.vn