Lịch nghỉ Tết 2020, giờ làm việc trong tuần, kiếm 1,5 tỷ đồng từ ốc hương

(Dân trí) - Lịch nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 7 ngày, 4 ngành có thời gian làm việc trên 50 giờ/năm, nông dân thu 1,5 tỷ đồng từ ốc hương ở Quảng Bình, 16 điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, hơn 12.000 thuyền viên Việt Nam làm việc ở nước ngoài, thợ trẻ Australia trình diễn nghề bếp…

Đây là những thông tin lao động việc làm hấp dẫn đăng trên Chuyên mục Việc làm tuần qua.

Lịch nghỉ Tết 2020, giờ làm việc trong tuần, kiếm 1,5 tỷ đồng từ ốc hương - 1

Chính thức ban hành lịch nghỉ Tết Âm lịch 2020

Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức ban hành Công văn 4544/TB-LĐTBXH thông báo về việc nghỉ Tết Âm lịch 2020 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là công chức, viên chức) nghỉ Tết Âm lịch năm 2020 liền 07 ngày, từ thứ Năm ngày 23 tháng 01 năm 2020 đến hết thứ Tư ngày 29 tháng 01 năm 2020 (tức là từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý)…

Thế hệ thứ 3 bị chất độc hoá học có được công nhận là “người có công”?

Đây là 1 trong 6 nhóm vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến từ các Bộ, Ban, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, các địa phương, chuyên gia và nhân dân.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), quá trình soạn thảo, có ý kiến đề nghị dự thảo Pháp lệnh cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với đối tượng này. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 27.000 đối tượng thuộc nhóm trên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, mà tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội vì các lý do khác nhau...

Làm việc trên 50 giờ/tuần: Ngành dệt may, thuỷ sản, điện tử và nội thất

Lao động ngành thủy sản có số giờ làm việc trong tuần cao nhất với 54,7 giờ, tiếp theo là lao động dệt may, sản xuất điện tử và nội thất đều có thời gian làm việc trong tuần trên 50 giờ. Những ngành này cũng tập trung nhiều doanh nghiệp FDI.

Đây là tổng hợp của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) về nội dung thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong giai đoạn 2013-2018. Tổng hợp dựa trên kết quả của điều tra lao động - việc làm năm 2013 và năm 2018 của Tổng cục Thống kê...

Thu lãi 1,5 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi ốc hương ở Quảng Bình

Nhờ mạnh dạn, táo bạo tìm hướng phát triển kinh tế mới, anh Phạm Văn Nghĩa huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã thành công với mô hình nuôi ốc hương , cho thu nhập cao. Trung bình mỗi năm, anh Nghĩa nuôi và thu hoạch trên 15 tấn ốc hương với giá 250 nghìn đồng/kg, cho lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng.

“Ốc hương thả nuôi từ tháng 1 thì đến tháng 10 là cho thu hoạch. Việc thu hoạch được lựa chọn những con ốc to (loại 70-80 con/kg) để bán, loại bé hơn được nuôi tiếp. Khi bạn hàng hoặc thương lái có nhu cầu là mình bán. Có những thời điểm giá ốc lên, có thể bán được từ 450- 500 ngàn đồng/kg”, anh Nghĩa cho biết.

Không chỉ mang lại kinh tế lớn cho gia đình, mô hình nuôi ốc Hương của anh Nghĩa còn tạo việc làm quanh năm cho 10 lao động. Hầu như mọi lao động đều được ăn, nghỉ tại chỗ và có thu nhập 10 triệu đồng/tháng…

16 điểm mới trong Dự thảo Luật Lao động sửa đổi

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đã bổ sung tới 16 điểm mới đối với người lao động và người sử dụng lao động. Những điểm mới chủ yếu về đối tượng điều chỉnh, tuổi nghỉ hưu, tiền lương, giờ làm thêm, cơ chế thương lượng tập thể, bình đẳng giới, tổ chức của người lao động tại cơ sở...

Về 10 điểm mới đối với người lao động, Dự thảo có nêu:

Lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động.

Quy định nguyên tắc về chính sách nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định…

Gần 12.000 thuyền viên Việt Nam làm việc ở tàu cá nước ngoài

Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm có 4.000 thuyền viên Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có gần 1.000 lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển vào hải đảo. Việt Nam hiện có gần 12.000 lao động làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài. 

Về thị trường, lao động Việt Nam đi làm thuyền viên chủ yếu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc với 9.400 người, tiếp sau là Đài Loan với 2.300 thuyền viên.

Phần lớn người lao động làm công việc nuôi trồng hải sản và đánh bắt trên các tàu cá ven biển Hàn Quốc, Đài Loan (9.000 lao động, chiếm 75% tổng số). Số còn lại làm việc trên các tàu cá xa bờ ở các vùng biển quốc tế...

Sôi động với màn trình diễn nghề của bạn trẻ Australia - Việt Nam

Tuần lễ Kỹ năng nghề Australia tại Việt Nam kéo dài từ ngày 21 - 24/10 tại Hà Nội và TP HCM. Chương trình có sự tham gia của bạn Cristopher Matkowski, thí sinh thi tay nghề Australia 2019, chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại TP Kazan, Liên Bang Nga.

Chia sẻ tại buổi trình diễn, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Hà Nội, cho biết giáo dục đào tạo là một trong những trụ cột quan trọng kết nối hai quốc gia Việt Nam và Australia nhiều năm qua.“

Giáo dục nghề nghiệp không đơn thuần là đào tạo các ngành nghề truyền thống mà còn có hàng trăm ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, logistics, dịch vụ nhà hàng khách sạn” - bà Robyn Mudie nhận định... 

Hoàng Mạnh tổng hợp