Vào CPTTP: Tổ chức đại diện lao động ở cơ sở được quy định ra sao?
(Dân trí) - Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở là một mô hình mới xuất hiện khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP). Vậy, chức năng và hoạt động của tổ chức này ra sao? Lộ trình cho việc ra đời tổ chức này?...
Đây là những nội dung được báo giới đặt ra với ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) tại “Tọa đàm về cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP”, nhân sự kiện Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 12/11.
Thưa ông, thông qua thoả thuận khi đàm phán Hiệp định CPTTP, Việt Nam sẽ cho phép xuất hiện thêm mô hình tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở?
- Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép người lao động được quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở.
Tổ chức này sau khi tự thành lập có 2 sự lựa chọn: Tự nguyện tham gia vào hệ thống Tổng LĐLĐ VN và trở thành một phần của Tổng LĐLĐ VN hoặc có thể đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được phép hoạt động.
Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ LĐ-TB&XH.
Sau khi hoàn thành các quy trình đăng ký theo trình tự pháp luật quy định, tổ chức này chỉ được hoạt động với chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp đó.
Cụ thể, tổ chức có thể đại diện cho người lao động trong thương lượng với người sử dụng lao động. Nếu xảy ra tranh chấp lao động, tổ chức này có thể đại diện để đối thoại cho người lao động và tổ chức đình công theo luật pháp quy định.
Cũng xin được nói thêm, tổ chức này không được phép hoạt động ngoài phạm vi doanh nghiệp, không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động khác ngoài phạm vi quan hệ lao động.
Vậy, lộ trình để Việt Nam thực hiện cam kết trong CPTTP về sửa đổi pháp luật lao động, trong đó có việc thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở ra sao, thưa ông?
- Theo thoả thuận, các nước đều đồng ý sẽ dành cho Việt Nam một lộ trình tương đối thích hợp để triển khai các cam kết trong Hiệp định CPTPP, trong đó có cam kết về pháp luật lao động.
Tạo thêm nhiều việc làm
Theo Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), việc tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam tạo thêm từ 17.000- 27.000 chỗ làm mới mỗi năm, tính từ năm 2020 trở đi. Đối với việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.0000 việc làm/năm.
Cụ thể, các nước chấp thuận cho Việt Nam một lộ trình dài 3 năm để tiến hành sửa đổi pháp luật lao động nhằm phù hợp hơn cũng như chuẩn bị tổ chức thực thi có hiệu quả.
Đây cũng là thời gian để hoàn thiện việc thực hiện cam kết, trong đó quan trọng là khả năng thực thi.
Với những nội dung liên quan đến tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp, các nước tham gia CPTPP đồng ý dành cho Việt Nam một lộ trình 5 năm để chuẩn bị và thực thi nội dung này.
Trong 5 năm đó cũng như 3 năm trước, các nước cam kết sẽ không thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại hay đình chỉ trừng phạt thương mại cho Việt Nam, nếu có những vấn đề tranh chấp về nội dung này.
Sau 5 năm đó, nếu như các vấn đề vẫn còn tồn tại thì các nước đồng ý ngồi với nhau để rà soát, xem xét lại trong các khuôn khổ của hội đồng lao động của CPTPP.
Qua đó xem xét lại một lần nữa để giúp Việt Nam cải thiện tình hình.
Như vậy, các lộ trình thời gian như trên sẽ thích hợp cho Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi CPTTP.
Cơ hội để các bên đánh giá lại mình
“Đây là dịp để tổ chức công đoàn tự đổi mới và thể hiện vị thế vốn có của mình. Đồng thời, tổ chức công đoàn cơ sở cần có những cải tiến để cải thiện quan hệ lao động. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại và điều chỉnh theo hướng tạo ra quan hệ lao động hài hòa hơn” - ông Nguyễn Mạnh Cường nói.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện