1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Có công nhận là “người có công” với thế hệ thứ 3 bị chất độc hoá học?

(Dân trí) - Đây là 1 trong 6 nhóm vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến từ các Bộ, Ban, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, các địa phương, chuyên gia và nhân dân.

Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến từ các ban, bộ ngành liên quan về Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Theo ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), bên cạnh nhiều vấn đề tạo sự đồng thuận, Dự án còn 6 nhóm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề phát sinh mới và cần có sự tiếp thu ý kiến, nghiên cứu từ đó xây dựng chính sách hợp lý.

Có công nhận là “người có công” với thế hệ thứ 3 bị chất độc hoá học? - 1

Đặc biệt là nội dung về thế hệ thứ 3 bị phơi nhiễm và việc công nhận liệt sĩ với thương chết do vết thương tái phát.

Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

Theo ông Đào Ngọc Lợi, quá trình soạn thảo, có ý kiến đề nghị dự thảo Pháp lệnh cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với đối tượng này. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 27.000 đối tượng thuộc nhóm trên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, mà tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội vì các lý do khác nhau.

Ông Nguyễn Bá Bồng, Phó Trưởng ban Tổ chức - Chính sách Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam

Theo cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh, thực tế chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

Thực tế khám chữa bệnh thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ 3.

Thân nhân của 12 đối tượng người có công với cách mạng được quy định trong Pháp lệnh hiện hành và dự thảo Pháp lệnh sửa đổi là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp; qua thực tiễn thực hiện, được nhân dân và xã hội đồng tình.

Nếu xem xét mở rộng chính sách ưu đãi đến thế hệ thứ 3 (cháu) người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học thì tạo ra sự không bình đẳng, có sự so bì và không tương xứng chế độ ưu đãi giữa thân nhân của người có công với cách mạng khác, nhất là thân nhân liệt sĩ, thương binh, người hoạt động cách mạng trước ngày khởi nghĩa tháng Tám.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH

Bên cạnh đó, số lượng các cháu bị dị dạng, dị tật tuy không nhiều song căn cứ xác định không rõ ràng, qua tham khảo chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng nhất là những người dân sinh sống tại địa bàn bị nhiễm chất độc hóa học. Mặt khác, các cháu cũng đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.

Công nhận liệt sĩ với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát

Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có hai loại ý kiến về việc công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát: Thương binh từ 81% trở lên chết vì vết thương tái phát và thương binh từ 61% chết vì vết thương tái phát.

Theo Cục Người có công, các lý do được phân tích như sau:

Pháp lệnh sửa đổi năm 1995, 2012 chỉ quy định "thương binh chết do vết thương tái phát" thì được công nhận là Liệt sĩ. Để hướng dẫn Pháp lệnh, tùy từng thời kỳ, Chính phủ có quy định bổ sung thêm các điều kiện như:

Giai đoạn 1995-2012: được cơ sở hoặc bệnh viện nơi điều trị xác nhận và được chính quyền địa phương hoặc đơn vị quản lý nhận xét là xứng đáng.

Giai đoạn 2012 đến nay, có 2 trường hợp: Từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế, hoặc từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

Thực tế thực hiện quy định này đã, đang nảy sinh sự bất bình đẳng giữa người hy sinh trong chiến tranh và bị thương trong chiến tranh nhưng chết trong thời bình đều được công nhận là liệt sĩ, thân nhân được hưởng chính sách ưu đãi; quá trình thực hiện cũng gặp nhiều hệ lụy như: Tình trạng bổ sung hồ sơ, các cơ sở y tế cấp xã xác nhận nâng hạng, nâng mức độ thương tật để đủ điều kiện xác nhận.

Mặt khác, vết thương của thương binh đã được điều trị ổn định trong một thời gian dài, phần lớn chết do tuổi cao sức yếu (thực tiễn, đa số trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ do vết thương tái phát là đã trên dưới 80 tuổi, một số trường hợp trên 90 tuổi).

Số thương binh có tỷ lệ thương tật dưới 81% khi chết được xác nhận là liệt sĩ nhiều khi không nhận được sự đồng tình của thương binh nặng và địa phương.

Từ thực tế này, Cục Người có công đang trưng cầu ý kiến thêm về 2 phương án:

Phương án 1: Xác nhận liệt sĩ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên.

Phương án 2 (như hiện hành): Công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát từ 61% trở lên.

Đồng thời cả hai phương án đều quy định điều kiện bắt buộc phải có bênh án điều trị thường xuyên vết thương tái phát và xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.

Bên cạnh đó, Cục Người có công cũng nêu ra 4 nhóm vấn đề cần lấy thêm ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo, như:

Đề nghị xem xét mở rộng đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng Huân chương, Huy chương.

Xem xét mở rộng đối tượng là người bị địch bắt tù, đày do tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%.

Không tiếp tục công nhận xem xét Bệnh binh mới là người có công.

Hoàng Mạnh