1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lão nông Hậu Giang kể bí quyết nuôi ba ba thu lợi nhuận cao

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Thay vì nuôi ba ba trong ao đất, một lão nông ở Hậu Giang lại nuôi trong hầm nổi. Cách làm độc đáo này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp, ba ba không bị chết.

Lão nông Hậu Giang kể về bí quyết nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ lâu nay, với người dân ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), con ba ba vốn được xem là vật nuôi triển vọng giúp bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình.

Thông thường, người nuôi hay ươm ba ba giống trong ao đất nhưng phương pháp này gây hao hụt nhiều, ba ba dễ nấm bệnh. Vì thế, nhiều hộ nuôi đã cải tiến phương pháp ươm ba ba giống trong hầm nổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình và thành công trong việc nuôi ba ba trong hầm nổi là hộ ông Lương Thành Kỷ (64 tuổi) ngụ ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp với 14 năm kinh nghiệm làm nghề.

Lão nông Hậu Giang kể bí quyết nuôi ba ba thu lợi nhuận cao - 1

Lão nông Lương Thành Kỷ thoát nghèo nhờ nuôi ba ba trong hầm nổi.

Hơn chục năm trước ba ba là vật nuôi giúp bà con quê ông "đổi đời", có rất nhiều người chi tiền triệu đầu tư cơ sở vật chất và con giống để nuôi ba ba. Song do quá nhiều người nuôi dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá ba ba xuống dốc khiến nhiều người thua lỗ.

"Nuôi ba ba thịt lời nhiều nhưng rủi ro cao nên tôi quyết định nuôi ba ba giống. Khi ấy tôi mua 4.000 con giống, nuôi 3-4 năm tôi giữ lại được 500 con cái và chục con đực có chất lượng để làm giống. Từ số ba ba giống đó tôi cho nó sinh sản và tự tạo nguồn giống đến ngày nay", ông Lương Thành Kỷ chia sẻ.

Lão nông Hậu Giang kể bí quyết nuôi ba ba thu lợi nhuận cao - 2

Hầm nổi được làm từ tấm bạt phủ có chiều cao khoảng 50cm, trên lợp lưới râm, trong hầm để các tàu dừa làm giá thể cho ba ba con trú ẩn.

Cũng theo ông Lương Thành Kỷ, lúc mới bắt tay vào ươm ba ba giống, ông gặp không ít khó khăn. Khi ấy ông nuôi ba ba trong ao đất khiến ba ba con dễ nấm bệnh, hao hụt nhiều.

Sau nhiều lần thất bại ông đã nghĩ ra phương pháp ươm ba ba trong hầm nổi. Ưu điểm của mô hình này là dễ làm, chi phí thấp, hạn chế thức ăn thừa, thuận tiện trong việc quản lý và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ba ba nuôi trong hầm nổi, từ một năm tuổi đã có thể sinh sản. Khi ba ba cái sinh xong, trứng sẽ được ông thu gom và cho ấp trong các thùng cát khoảng 45 ngày mới nở.

Ba ba mới nở sẽ được nuôi trong bể xi măng 3-4 ngày, sau đó chuyển ra hầm nổi.

Lão nông Hậu Giang kể bí quyết nuôi ba ba thu lợi nhuận cao - 3

Khi ba ba con thích nghi môi trường nước trong hầm nổi hơn một tháng mới chuyển ra ao đất.

Hầm nổi được làm từ tấm bạt phủ chiều cao khoảng 50cm, trên có lợp lưới râm, trong hầm để các tàu dừa làm giá thể cho ba ba con trú ẩn. Khoảng 3-4 ngày hầm sẽ được thay nước định kỳ một lần.

Vào mùa mưa thì thay nước thường xuyên để hạn chế bệnh cho ba ba. Khi ba ba con thích nghi môi trường nước trong hầm nổi, hơn một tháng mới chuyển ra ao đất.

Hiện tại, ông Lương Thành Kỷ có 3 hầm nuôi ba ba, mỗi hầm có diện tích gần 100m2 với mật độ nuôi 4.000-5.000 con ba ba giống/hầm. Riêng ba ba mẹ có hơn 1.000 con.

"Ba ba con nuôi càng lâu, kích cỡ càng lớn thì giá thành càng cao. Thông thường kích cỡ được thu mua từ 3 phân đến 5 phân, giá dao động từ 2.000 đến 9.000 đồng/con", ông Lương Thành Kỷ cho hay.

Lão nông Hậu Giang kể bí quyết nuôi ba ba thu lợi nhuận cao - 4

Mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường 8.000-10.000 con ba ba giống. Trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận thu về được gần 300 triệu đồng/năm.

Trước khi có dịch bệnh công việc kinh doanh của ông Lương Thành Kỷ rất thuận lợi. Mỗi năm gia đình lão nông này xuất bán ra thị trường 8.000-10.000 con ba ba giống. Trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của lão nông U70, dù hiện tại giá ba ba giống xuống thấp và tiêu thụ khó khăn nhưng ông vẫn "sống khỏe".

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Búng Tàu cho biết, những năm gần đây, mô hình ươm nuôi ba ba trong hầm nổi được nhiều hộ áp dụng. Hiện trên địa bàn xã có 9 hộ nuôi với tổng số 15 hầm.

"Trước tình hình dịch bệnh, người nuôi ba ba thịt gặp khó khăn về đầu ra và giá cả, nhiều hộ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.  Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, phương pháp ươm giống ba ba trong hầm nổi đang mang lại hiệu quả cao", ông Trần Quốc Dũng nhận xét.