1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên

Phạm Hoàng Nay Săt

(Dân trí) - Sinh ra ở làng quất Hưng Yên, ông Triệu Văn Dặm mang cây giống từ quê nhà lên đất cao nguyên, kiếm thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi mùa Tết.

Nằm ngay trung tâm thị trấn Kon Dơng, vườn quất của ông Triệu Văn Dặm (65 tuổi, trú ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai) xanh mơn mởn, quả vàng óng ánh thu hút mắt nhìn.

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên - 1

Người nông dân mang quất từ Hưng Yên lên trồng trên đất Gia Lai.

Tâm sự về hành trình "bén duyên" với nghề trồng quất Tết, ông Dặm chia sẻ, năm 1996, gia đình ông Dặm từ Hưng Yên vào Gia Lai lập nghiệp. Vốn có kinh nghiệm từ làng nghề trồng quất ở quê nhà, khi vào Gia Lai, ông đã ấp ủ sẽ tiếp tục nghề này ở phố núi. 

Nghĩ là làm, năm 2004, ông Dặm đã dùng số tiền tích góp để mua mảnh đất gần 5.000 m2 ươm giống quất. Dốc hết vốn, lão nông thời ấy đã về Hưng Yên mua 250 gốc quất đem vào Gia Lai trồng thử nghiệm.

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên - 2

Quất do ông Dặm trồng khoảng 3 năm là xuất bán, tuổi thọ từ 3-6 năm.

"Với kinh nghiệm trồng quất lâu năm, tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc ươm giống và chăm sóc. Thời tiết ở Gia Lai cũng rất thích hợp cho cây quất sinh trưởng", ông Dặm bộc bạch.

Trồng lứa quất đầu tiên trên đất Gia Lai, ông Dặm đã thành công gần như 100%, chỉ có một gốc quất bị chết do ông chưa quan sát kỹ thân cây. Thời điểm đó, ông bán quất với giá 180.000 đồng/cây. Ông Dặm không bán hết toàn bộ mà giữ lại vài gốc quất để sử dụng trong việc chiết cành, nhân giống.

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên - 3

Muốn quất được xanh tốt, quả chín vàng thì phải biết cách "đánh" thuốc, cho "ăn" phân, tưới tiêu…

Đến năm 2007, nhận thấy thành công ban đầu, ông Dặm mạnh dạn trồng hơn 800 cây quất xuất Tết. Với giá bán 200.000 đồng/cây, ông đã thu về hơn 100 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình ông được cải thiện, đủ tiền lo cho con ăn học. 

Theo ông Dặm, nghề trồng quất tốn nhiều công, nhất là việc chăm sóc bộ rễ của cây. Vì quất đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bộ rễ, nếu bộ rễ đẹp thì cây chơi được lâu, còn khi bị hỏng rễ, quất thường xấu mã và không bền. Việc chăm sóc cây thường kéo dài suốt từ đầu năm, đến cuối năm mới cho thu hoạch.

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên - 4

Mỗi cây quất của ông Dặm có giá dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.

"Thời điểm cực nhất là vào tháng 4 (dương lịch) hàng năm, khi đã có những cây quất đúng độ tuổi để xuất bán cho dịp Tết năm sau. Lúc đó, tôi phải đánh, chuyển cây đã lựa sang một khoảng đất trống để trồng lại. Làm như thế để cây dễ ra hoa, rễ phát triển tốt. Trên khoảng đất mới, khoảng một tháng sau, quất sẽ ra hoa, một tháng nữa đậu quả. Vào tháng 10, quất sẽ chín rộ, vàng óng. Cây quất trồng 3 năm là có thể xuất bán", ông Dặm chia sẻ.

Vườn quất trên cao nguyên của lão nông U60

Thời tiết cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cây quất trong thời điểm quả chín. Nếu trời mưa quá, người trồng phải che bầu, nắng quá thì tưới nhiều nước cho cây. Thời tiết cuối năm nay mưa ít nên không ảnh hưởng nhiều đến vườn quất nhà ông Dặm.

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên - 5

Lão nông U60 thu về hàng trăm triệu đồng từ cây quất mỗi mùa Tết.

Ông Dặm cũng cho biết, lúc đầu cây rất đẹp nhưng không biết cách chăm sóc thì sẽ bị xuống mã. Việc trồng quất quan trọng là cách "đánh" thuốc, cho "ăn" phân, tưới tiêu cho cây, qua mỗi lần làm là một lần rút ra kinh nghiệm. Thời điểm bắt quả, cho "ăn" như thế nào, bón phân bón... thì người làm vườn đều phải nắm rõ và có kinh nghiệm mới cho được cây quất đẹp.

Hiện vườn quất của ông có hơn 2000 cây. Trong đó, có 1000 cây mới ươm giống, có 400 cây để xuất bán Tết năm nay, còn số cây còn lại để làm giống và dành bán năm sau. 

Được biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ông chủ động giảm từ 700 cây xuống còn 400 cây so với năm ngoái, mỗi cây có giá trung bình từ 500.000 đến 2 triệu đồng. Sơ tính, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 200 triệu đồng. 

Lão nông ăn Tết to nhờ trồng quất đồng bằng trên đất cao nguyên - 6

Cây quất của ông Dặm được nhiều khách hàng tin tưởng, đến tận vườn để lựa chọn, mang về trưng Tết.

Nhiều năm trước, ông thường xuất bán quất cho các khách hàng ở trong và ngoài tỉnh như Bình Dương, Kon Tum… Bây giờ, khách hàng đều đến tận vườn để chọn cây mình ưng ý rồi mua. Bên cạnh đó, ông còn mang quất trưng bày ở khu vực chợ hoa Tết thị trấn Kon Dơng (Mang Yang, Gia Lai) để mọi người được biết và mua chưng Tết. 

Ngoài cây quất, ông Dặm có hơn 80 chậu mai Tết xuất bán dịp Tết Nhâm Dần, giá từ 2 - 5 triệu đồng/chậu. Khi dịch bệnh ổn định, ông Dặm dự tính mở rộng số lượng quất bán Tết. Ngoài ra, ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân quanh vùng có nhu cầu trồng quất.