Lao động Việt mưu sinh trên biển băng, tay lạnh cóng phải nhúng nước sôi
(Dân trí) - Thu hoạch ghẹ trong thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ luôn dưới -10 độ C, miếng cơm chưa xuống bụng đã phải làm việc, anh Tuấn chỉ biết nỗ lực để kiếm nhiều tiền hơn gửi cho vợ con ở nhà.
Sang Hàn Quốc năm 2022, anh Quốc Tuấn (quê Đồng Hới, Quảng Bình) làm việc trên tàu cá tại tỉnh Chungcheongnam-do, công việc chính của anh là thu hoạch ghẹ cho chủ tàu người Hàn Quốc.
"Bình quân mỗi tháng thu nhập của tôi tính ra tiền Việt khoảng 50-70 triệu đồng, vào mùa cao điểm thu nhập có thể nhiều hơn. Trừ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, tôi cũng để dành được 40-60 triệu đồng. Lao động làm ở mỗi tàu khác nhau, thu nhập cũng sẽ khác", anh Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, để có mức thu nhập như vậy, mỗi ngày anh phải lênh đênh trên biển 15-17 tiếng. So với những công việc trên bờ, anh cho biết, nghề đi biển vất vả gấp nhiều lần. Khó khăn lớn nhất là phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.
"Mùa đông, có những hôm tuyết rơi trắng trời, cơ thể có thể giữ ấm được nhưng đôi bàn tay bắt buộc phải chịu lạnh. Anh em chúng tôi luôn cố gắng giữ cho tay không bị ướt, nếu không bàn tay lạnh buốt, tê cóng rất khó làm việc.
Sang đây mới thấy mùa đông ngôn tình ở Hàn Quốc chỉ có trên phim còn thực tế là rét cắt da thịt. Mỗi ngày đi biển, tay phải đeo 2 lớp găng vải, 3 lớp bọc nilon chống nước, lớp ngoài cùng là găng tay cao su. Vậy mà vẫn lạnh buốt.
Trên tàu anh em thường đun sẵn nồi nước, lúc nào tay buốt quá thì nhúng tay vào nồi nước sôi một lúc mới ra làm việc tiếp được", anh Tuấn chia sẻ.
Khác với những công việc, ngành nghề khác, lao động chọn nghề đi biển như anh Tuấn đều xác định công việc này làm quanh năm suốt tháng, vất vả, thậm chí đối mặt với nguy hiểm trên biển. Nguy hiểm nhất là nước bắn lên boong tàu đến đâu đóng băng đến đó, mặt sàn trơn trượt.
"Nghề này không cố định giờ giấc cụ thể, ngày làm việc 15-17 tiếng là bình thường. Có hôm tôi dậy từ 1h sáng, đi làm liền đến 10h đêm. Về nhà mới được nghỉ ngơi, còn những khoảng dừng tay trên tàu rất ít, cả ngày chỉ nghỉ lúc ăn cơm xong rồi làm tiếp, có khi miếng cơm còn chưa kịp xuống bụng", anh Tuấn kể.
Mỗi ngày đi làm, anh Tuấn thường quay lại video clip, rảnh rỗi về đăng lên trang cá nhân để chia sẻ cho mọi người biết đến công việc của anh em lao động nghề ngư nghiệp. Qua những clip sinh động, chân thật, anh nhận được rất nhiều lời động viên từ những người con xa xứ. Điều đó giúp anh có thêm động lực để cố gắng.
"Ở nơi đất khách quê người có kêu khổ cũng không ai đỡ được cho mình. Lao động như chúng tôi may mắn gặp được chủ tốt thì đỡ vất vả, gặp người khắc nghiệt thì không từ ngữ nào diễn tả được. Nhiều lúc nản lòng nhưng phải cố gắng, không dám buông xuôi vì sau lưng còn có gia đình", anh Tuấn tâm sự.