Lao động trực tiếp khó làm tới 60 tuổi, vậy sao đề xuất tăng tuổi hưu?
(Dân trí) - “Khả năng làm việc của công nhân may, giáo viên mầm non, thợ điện tử khó có thể kéo dài tới tuổi 60. Điều này cần nhiều giải pháp khác để bố trí, tự tạo việc làm mới. Tuy nhiên, không thể vì đó mà không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm giải quyết bài toán chính sách lớn hơn”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ quan điểm tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Chương trình do Tổng LĐLĐ VN phối hợp với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 15/5 tại Hà Nội.
Khó với nhóm lao động trực tiếp
Tại Hội thảo, ý kiến của nhiều nhóm lao động trực tiếp cho rằng, điều kiện sức khoẻ khó có thể cho phép họ làm nghề tới năm 60 tuổi được.
Nhiều giáo viên mầm non cho rằng cường độ làm việc của nghề cao. Giáo viên mầm non thường phải cập nhật kỹ năng giáo dục tiên tiến, trình độ ngoại ngữ. Điều này đòi hỏi năng lực của tuổi trẻ.
Theo nhiều đại biểu tại Hội thảo: Cô giáo mầm mon còn chịu áp lực từ phía phụ huynh, xã hội ngày càng lớn về chăm sóc trẻ em. Việc kéo dài tuổi hưu đối với giáo viên mầm non là điều không ai mong muốn.
“Nhiều giáo viên mầm non chỉ làm việc đến tuổi 35-40 là xin nghỉ. Bởi đến 55 tuổi, không ai có thể còn sức múa đẹp, hát hay cho các cháu” - chị Đinh Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt - Triều Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết.
Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hiền, Công ty cổ phần Thương mại TNG Thái Nguyên, cho biết, công nhân may làm việc trực tiếp rất vất vả. Đến 40 tuổi người lao động bắt đầu mắt mờ, chân tay rung, đường kim, mũi chỉ không còn chính xác. Năng suất lao động thấp hơn lớp trẻ.
“Nhiều năm làm nghề may, khớp xương đau nhức và bị teo, chúng tôi làm sao đủ sức để theo đuổi nghề? Nếu tăng tuổi hưu, chúng tôi sẽ buộc phải nghỉ sớm với lương hưu thấp và tuổi già tiếp tục phải đi kiếm sống, như vậy là bất hợp lý…” - chị Nguyễn Thị Hiền lo lắng.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết ở thời điểm này. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp và tính tới đặc thù lao động trực tiếp và không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đặc biệt là cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn".
Cần nhiều giải pháp tổng thể
Tiếp thu và chia sẻ trước sự vất vả nghề nghiệp từ những người lao động tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo rất khó chọn được 1 giải pháp tuổi hưu có thể làm hài lòng được tất cả các nhóm lao động trên thị trường lao động”.
Ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận thực tế là sức khoẻ của một số nhóm lao động như công nhân may, cô giáo mầm non... khó có thể làm việc tới tuổi hưu theo quy định. Trong khi nhóm lao động này không thuộc doanh mục các nghề nghiệp nặng nhọc, độc hai hay nguy hiểm.
“Để giải bài toán trên sẽ cần nhiều giải pháp khác nữa chứ không thể vì đó mà không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Mà không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì không thể giải quyết được nhiều bài toán vĩ mô và vi mô khác” - vụ Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết.
Vậy, lời giải bài toán trên sẽ ra sao?
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, vấn đề này sẽ phải được giải bằng nhiều giải pháp tổng thể nhiều chính sách của thị trường lao động. Theo đó, điều đầu tiên là người lao động cần thay đổi tư duy cứng nhắc cho rằng: Mình chỉ có thể làm duy nhất một công việc từ khi trẻ tuổi tới tận cuối đời hay tới tuổi nghỉ hưu.
“Một công nhân khi trẻ tuổi, mắt sáng, trẻ khoẻ thì có thể làm thợ may. Tới tầm 50-55 tuổi, sức yếu và mắt mờ nhưng họ có nhiều kinh nghiệm ở công việc khác. Họ phải có cơ hội để chuyển đổi sang công việc khác. Đơn cử như ở các nước kinh tế phát triển, công việc lái taxi không phải là của lao động trẻ mà là của người già” - ông Nguyễn Văn Bình nói.
Như vậy, đây cũng là cách thay đổi để giải quyết bài toán lao động dựa vào tính linh hoạt của thị trường lao động ở nhiều nước kinh tế phát triển.
Vụ Phó Vụ Pháp chế cho biết thêm: “Tất nhiên, việc chuyển đổi không phải phụ thuộc hoàn toàn do người lao động tự vận động. Nghị quyết 28/NQ-T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề này. Để sao cho người lao động có thể chuẩn bị thay đổi nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng có sự khuyến khích để bảo vệ việc làm, luân chuyển việc làm…”.
Giải thích thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong quá trình biên soạn, Ban soạn thảo đã “mở đường” cho việc tính toán các đối tượng thuộc ngành, nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi. Vấn đề tại sao Bộ luật Lao động chưa nêu cụ thể? Bởi Luật không bao trùm hết được mà phải điều chỉnh bằng các văn bản khác trong thời gian tới...
Không phải từ năm 2021, người lao động nghỉ hưu ngay ở tuổi 60 và 62
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, theo dự thảo sửa đổi Luật Lao động, việc tăng có lộ trình từ 3-4 tháng tuổi hưu/năm và sẽ kéo dài tới hàng chục năm mới kết thúc. Như vậy, nữ giới phải tới năm 2036 mới nghỉ hưu ở tuổi 60 và nam giới nghỉ hưu ở tuổi 62 vào năm 2029. “Khi đó sẽ có nhiều sự thay đổi về công nghệ và sẽ có nhiều thuận lợi hơn về điều kiện làm việc cho người lao động”.
Hoàng Mạnh