TPHCM:

Lao động thời vụ tăng cao

(Dân trí) - Trong tháng 9, nguồn cung nhân lực sẽ dồi dào vì có một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và lao động thời vụ từ các vùng quê lên thành phố tìm việc làm trong những tháng cuối năm.

Đó là nhận định xu hướng thị trường lao động tháng 9 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM.

Lao động thời vụ tăng cao - 1
Những tháng cuối năm, nhu cầu lao động thời vụ có xu hướng tăng cao

Theo khảo sát của Trung tâm, thị trường lao động thành phố sẽ có nhiều tác động tích cực nhưng đồng thời tiếp tục biến động lao động. Căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của thành phố, Trung tâm dự đoán nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 9 có thể tăng khoảng 10% so với tháng 8, ước tính nhu cầu là khoảng 26.000 chỗ làm, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông sẽ tăng nhưng không quá cao.

Trong tháng 9, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao và lao động lành nghề vẫn chiếm khoảng 55%. Một số ngành nghề vẫn tiếp tục có nhu cầu cao là Dịch vụ - phục vụ, Bán hàng, Nhân viên kinh doanh – Marketing, Kế toán – Kiểm toán, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Thiết kế, Cơ khí, Quản lý điều hành, Quản lý nhân sự, Quản trị hành chính, Văn phòng, Điện tử - Viễn thông…

Trong tháng 8, do phải chuẩn bị cho hàng loạt các hoạt động tiếp thị, giảm giá kỷ niệm Lễ Quốc khánh 2/9 và đón Trung thu nên nhu cầu tuyển dụng lao động cho các hoạt động thời vụ (bán hàng, dịch vụ, phục vụ, tiếp thị) đã bắt đầu tăng cao. Do đó, thị trường lao động thành phố tháng 8 giảm trên 20% chỗ làm việc ổn định nhưng lại tăng khoảng 10% nhu cầu việc làm thời vụ.

Hiện nay tình trạng mà một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp phải là sự biến động lao động, phải thường xuyên tuyển dụng lao động để bù đắp cho lượng lao động nghỉ việc. Nguyên nhân là giá nhân công thấp so với chỉ số giá cả đang ở mức cao.

Việc mức lương tối thiểu mới được áp dụng từ ngày 1/10 có thể cải thiện được đời sống của người lao động. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu có thể khiến một số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn trong việc chi đóng bảo hiểm xã hội, chi tăng lương… Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất thuộc ngành nghề chế biến – sản xuất.

Để giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục tuyển dụng lao động nhưng sẽ cân nhắc kỹ hơn trong việc tuyển lao động cho phù hợp. Từ đó dẫn đến nguồn cầu lao động không tăng nhiều trong tháng 9, nhất là các doanh nghiệp ngành may mặc – da giày vốn sử dụng nhiều lao động.

Tùng Nguyên