Lao động nữ đi làm trước hạn nghỉ sinh con có phải đóng BHXH?

(Dân trí) - Sau 4 tháng có hiệu lực, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH đang bị một số ý kiến cho rằng trái với của luật BHXH. Cụ thể, quy định lao động nữ đi làm trước thời hạn nghỉ sinh con phải đóng BHXH. Trong khi đó, Luật BHXH cho phép lao động nữ được hưởng đầy đủ chế độ tối đa 6 tháng.


Luật BHXH năm 2014 quy định lao động nữ có thời gian nghỉ thai sản tối đa 6 tháng.

Luật BHXH năm 2014 quy định lao động nữ có thời gian nghỉ thai sản tối đa 6 tháng.

Để tìm hiểu vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), một trong những chuyên gia xây dựng nội dung Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH trên.

Thưa ông, khi tham mưu nội dung chế độ thai sản của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, quan điểm của nhóm soạn thảo là gì? Những nguyên tắc gì được chú trọng?

Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều mà Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết; đồng thời hướng dẫn thi hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc đặt ra khi xây dựng Thông tư này là các nội dung quy định phải chi tiết, hướng dẫn cụ thể nhằm tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Nhưng đồng thời Nghị định phải đảm bảo không trái với quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Liên quan tới Điểm C, khoản 2, Điều 12, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, một số ý kiến người lao động ở khu vực phía Nam cho rằng quy định lao động nữ đi làm trước thời hạn sinh con phải đóng BHXH là trái với tinh thần Luật BHXH 2014. Vì Luật BHXH năm 2014 không quy định lao động nữ đi làm sớm hơn thời hạn thai sản thì phải đóng BHXH. Ông có ý kiến gì về điều này?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội: “Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội”.

Ông Nguyễn Duy Cường - Vụ Phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Nguyễn Duy Cường - Vụ Phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH)

Căn cứ quy định nêu trên, đối với thời gian người lao động hưởng chế độ thai sản mà không “nghỉ việc” thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội; thời gian này người lao động đi làm việc, có hưởng tiền lương nên người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cơ sở tiền lương đó (không đóng trên số tiền hưởng chế độ thai sản hàng tháng).

Như vậy, khoản 2 Điều 12 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH phù hợp với quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản nhưng thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Như phân tích của ông, người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải hiểu đúng về quy định này ra sao. Bởi nhiều ý kiến cho rằng người lao động nữ vì hoàn cảnh khó khăn mới phải chấp nhận đi làm sớm, nay lại phải đóng thêm BHXH?

Bản chất của bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ phải nghỉ việc hoặc không thể đi làm việc (ốm đau, tai nạn, hết tuổi lao động,..thất nghiệp) nên không có tiền lương.

Khi người lao động đi làm việc có hưởng tiền lương thì không hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ví dụ như người lao động bị ốm nếu không nghỉ việc thì cũng không được hưởng trợ cấp ốm đau từ quỹ bảo hiểm xã hội do vẫn hưởng tiền lương do người sử dụng lao động trả.

Luật bảo hiểm xã hội quy định lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản (6 tháng) thì ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc. Đây là quy định riêng có lợi cho lao động nữ.

Pháp luật về bảo hiểm xã hội chỉ quy định 2 trường hợp người lao động vừa được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (100% tiền lương đóng) vừa được hưởng tiền lương nếu vẫn đi làm việc.

Đó là trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản khi sinh con như chúng ta đang trao đổi ở đây. Trường hợp thứ 2 là người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng vừa đi làm vừa hưởng chế độ thai sản khi người mẹ chết sau khi sinh con.

Quy định đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản làbảo vệ lao động động nữ trong trường hợp không may bị ốm đau, tai nạn lao động...trong thời gian đi làm trước.

Suy rộng ra, những trường hợp liên quan như lao động nam nghỉ việc khi có vợ sinh con, người mang thai hộ, người nhận con nuôi…nếu đi làm trước thời hạn quy định thì có phải đóng BHXH không, thưa ông?

Như đã nói ở trên, về nguyên tắc người lao động phải nghỉ việc thì mới được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; người lao động đi làm việc có hưởng tiền lương thì phải tham gia bảo hiểm xã hội trên cơ sở tiền lương đó.

Đối với người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con cũng như vậy. Nếu người lao động nghỉ việc thì được hưởng chế độ, nếu không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện