TPHCM:
Lao động bị cho thôi việc giảm so với năm 2023
(Dân trí) - Trong 5 tháng đầu năm, TPHCM chỉ có 412 lao động bị doanh nghiệp cho thôi việc vì lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu. So với cùng kỳ, số lao động mất việc giảm 527 người.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có báo cáo hoạt động 5 tháng đầu năm 2024, ghi nhận sự khởi sắc của thị trường lao động, việc làm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tình hình giải quyết việc làm tăng 1,33% và tạo việc làm mới tăng 1,98% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong tháng 5, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho 28.894 lượt người, nâng tổng số lượt giải quyết việc làm trong 5 tháng đầu năm lên 138.135 lượt (đạt 46,05% kế hoạch).
Để đẩy mạnh công tác kết nối việc làm, trong tháng 5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã phối hợp tổ chức 4 phiên, sàn giao dịch việc làm; tư vấn việc làm cho 19.639 lượt người, giới thiệu việc làm cho 2.267 lượt người...
Qua đó, kéo giảm tỷ lệ người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm 12,54%).
Tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được duy trì hài hòa, ổn định, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể trong tháng 5.
Nếu tính từ đầu năm đến ngày 2/5, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ tranh chấp lao động với 592 người lao động ngừng việc, giảm 3 vụ và giảm 1.027 người tham gia ngừng việc so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã tiếp nhận thông báo của 23 doanh nghiệp cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động (vì lý do kinh tế khó khăn, tái cơ cấu…), với số lao động mất việc là 412 người (tổng số lao động của 23 doanh nghiệp trên là 9.719 người).
So với cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp gửi thông báo cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động tăng 7 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lao động mất việc theo diện này lại giảm 527 người. Trong đó, không có doanh nghiệp nào đóng trong khu chế xuất, khu công nghiệp rơi vào tình trạng trên.
Trong 5 tháng đầu năm, hơn 40.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tham gia vào thị trường lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87,5% (vượt 0,5% so với chỉ tiêu năm).
Trong tháng 5, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng đã tổ chức thành công Đoàn công tác đi làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức đàm phán với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để thực hiện chuyển giao các chương trình đào tạo chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão.