Làng "tỏa hương" trăm tuổi ở ngoại ô TPHCM tất bật vào vụ Tết
(Dân trí) - Sau khoảng thời gian yên ắng vì đại dịch, làng nhang trăm tuổi Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) lại nhộn nhịp dịp cuối năm cho những đơn hàng Tết.
Những ngày cuối năm, chạy dọc tuyến đường Mai Bá Hương, những sạp phơi nhang nối nhau thành hàng dài cả cây số. Không rõ từ bao giờ, mùi nhang thơm ngào ngạt với sắc đỏ, vàng rực rỡ đã trở thành nét đặc trưng ở nơi đây.
Theo những thợ làm nhang thâm niên, quy trình để cho ra đời một cây nhang thành phẩm hiện nay đã đỡ cực nhọc hơn xưa bởi sự xuất hiện của máy móc hiện đại. Tuy nhiên, người thợ vẫn cần có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo.
Pha trộn bột và nhuộm màu chân nhang là những công đoạn đầu tiên. Kế đến, người thợ để bột đã trộn vào máy nhang, để chân nhang và máy lừa tăm. Công đoạn này được gọi là se nhang.
Nhang sau khi se, chỉ cần đem phơi khô, đếm số lượng và đóng gói là đã cho ra đời những cây nhang thành phẩm.
Phơi nhang có thể xem là công đoạn vất vả nhất bởi nếu trời mưa bất chợt, không gom vào kịp, nhang sẽ ướt, rã. Khi đó, người thợ phải bỏ thêm thời gian, công sức se nhang lại từ đầu.
Bên trong xưởng sản xuất lớn nhất nhì làng nhang ở đường Mai Bá Hương của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (45 tuổi), gần 16h chiều, hàng chục công nhân vẫn đang luôn tay luôn chân làm việc. Sau hơn 20 năm gắn bó với nghề "tỏa hương", chị Thúy cho biết vụ Tết năm nay là khoảng thời gian vô cùng khó khăn.
"Lúc trước tôi sản xuất, phân phối 5.000 - 6.000 thiên nhang/ngày (1 thiên nhang là 1.000 cây), năm nay giảm xuống chỉ còn 1.000 - 3.000 thiên. Nguyên nhân do dịch bệnh, nhiều công nhân đã nhiễm Covid-19, sức khỏe còn yếu nên năng suất làm việc thấp", chị Thúy lý giải.
Đồng thời, chủ cơ sở này cũng cho biết, 4 tháng nghỉ dịch, ngưng sản xuất khiến các nhà phân phối cạn kiệt hàng. Vì thế, hiện xưởng của chị dù đã làm việc hết công suất nhưng vẫn không kịp tiến độ giao nhang.
"Đặc biệt, năm nay nguyên liệu tăng giá, chất bột xấu lại còn hiếm hàng, trong khi giá bán ra thì tôi không tăng được. Sau 2 năm Covid, hiện tôi đã đuối lắm rồi nhưng vẫn cố tới đâu hay tới đó, hi vọng sang năm sẽ ổn định hơn", chị Thúy tâm sự.
Còn anh Hoàng Quốc Cường (40 tuổi), chủ một xưởng sản xuất nhang rộng 100 m2 cho biết, năm nay xuất hàng khó, lời ít hơn mọi năm và thiếu nhân công. Anh nói: "Đơn hàng vẫn ổn định nhưng năm nay gặp phải khó khăn là giá bột áo tăng khoảng 30%, người làm cũng thiếu nhưng tôi không dám tuyển thêm vì sợ dịch".