Vợ chồng trẻ 3 lần trắng tay, vực dậy bằng nghề nuôi gà "nhân đạo"
(Dân trí) - Sau 3 lần tay trắng do kinh doanh thua lỗ, vợ chồng anh Điệp vẫn không nản lòng, quyết tâm làm lại với mô hình nuôi gà "nhân đạo".
Anh Lâm Phụng Điệp, quản lý tại doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng và vợ là chị Võ Thị Kim Oanh, nhân viên kiểm định chất lượng (cùng SN 1990) quyết định bỏ phố, về khởi nghiệp tại quê nhà xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Tích góp vài chục triệu đồng, vợ chồng trẻ thử sức nuôi dúi, rồi trồng rau thủy canh. Tuy nhiên, dúi nuôi chết gần hết, những con sống sót không sinh sản, rau thủy canh thì tiêu thụ khó. Hai lần thử nghiệm, đôi vợ chồng thành tay trắng.
"Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay làm mới thấy khó vô cùng, tất cả vốn liếng của chúng tôi nhanh chóng cạn sạch", anh Điệp bùi ngùi kể.
Nhận thấy buôn bán thức ăn gia cầm mang lại lợi nhuận, năm 2016, vợ chồng anh vay hơn 1 tỷ đồng làm đại lý cung cấp thức ăn cho hàng chục người nuôi vịt ở địa phương. Anh chở cám bán cho các cơ sở với giao ước tiền được thanh toán sau khi vịt xuất chuồng.
Tuy nhiên, cuối 2017, dịch cúm gia cầm bùng phát, vịt chết hàng loạt khiến người chăn nuôi thua lỗ. Vợ chồng anh không thể thu hồi vốn và bị doanh nghiệp cung cấp thức ăn đòi nợ.
"Tài sản cuối cùng của chúng tôi là cặp nhẫn cưới cũng phải bán. Người thân khuyên tôi chọn một công việc ổn định để kiếm tiền trả nợ, nuôi con", chị Oanh kể.
Dù 3 lần khởi nghiệp thất bại, đôi vợ chồng 9X không nản chí, tiếp tục vay mượn thêm 100 triệu đồng để làm lại từ đầu.
Rút kinh nghiệm, anh Điệp chọn cách đi chậm mà chắc. Anh đầu tư nuôi 1.500 con gà ác để lấy trứng và thịt tươi. Anh nỗ lực đẩy mạnh quảng bá và bán sản phẩm qua các trang mạng xã hội. Nhờ vậy, doanh số tăng đều, dần trả được nợ.
Năm 2023, anh Điệp nhận thấy các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều trứng được "chăn nuôi nhân đạo" (cage-free) - mô hình nuôi gà không lồng chuồng để vật nuôi được tự do di chuyển và thể hiện tập tính tự nhiên của loài. Anh Điệp bàn với vợ chuyển hướng đầu tư.
Thông qua tổ chức chứng nhận chăn nuôi nhân đạo (Certified Humane) và được chuyên gia hướng dẫn, vợ chồng anh đầu tư gần 1 tỷ đồng thuê 2.000m2 đất để xây dựng trang trại. Ban đầu, anh chị nuôi 4.000 con gà thả rông lấy trứng. Hướng nuôi gà ác bán thịt anh Điệp cũng loại bỏ vì "thấy sát sinh".
Theo anh Điệp, để nuôi gà "nhân đạo", trang trại phải tăng vốn đầu tư hơn 30% so với nuôi công nghiệp. Cơ sở vật chất như số lượng máng nước, bồn chứa thức ăn, ổ đẻ, khu vực tắm bụi, hệ thống làm mát... đều phải đáp ứng quy chuẩn.
"Nước uống, thức ăn cho gà cũng phải đúng tiêu chuẩn, không chứa chất tăng trọng hay kháng sinh. Tôi tin rằng, với cách nuôi này, khách hàng thưởng thức trứng từ những con gà mái hạnh phúc cũng sẽ cảm thấy thoải mái, an yên hơn", anh Điệp chia sẻ.
Tháng 7, trang trại của vợ chồng anh Điệp được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn "nhân đạo". Từ khi có được chứng nhận này, ngày càng có nhiều khách sạn, resort ở tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng liên hệ với anh chị, đặt mua trứng với số lượng lớn.
Với 4.000 con gà, mỗi ngày trang trại thu được hơn 3.000 quả trứng. Doanh thu một tháng của trang trại là 350 triệu đồng, trừ chi phí, anh Điệp lãi 40-50 triệu đồng.
Năm 2023, sản phẩm trứng gà "nhân đạo" của vợ chồng anh Điệp đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam.
"Vợ chồng tôi dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, bởi các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hiện nay đều dần chuyển hướng sang dùng trứng gà "nhân đạo", tiềm năng thị trường rất tốt", anh Điệp nói.