Làm sao để tìm được việc?
Nhiều sinh viên khi đối diện với nhà tuyển dụng thì run bần bật, mặt tái xanh, nói năng không rõ ràng. Dù tốt nghiệp khá, giỏi nhưng họ không được nhà tuyển dụng đánh giá cao
Với bộ hồ sơ xin việc trên tay, Vũ Dương Thế, sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật tự động hóa của Trường ĐH Bách khoa TP HCM, tự tin bước vào buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng đến từ một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Phong thái thoải mái, mạnh dạn của Thế không phải tự nhiên mà có. Anh cho biết đã rèn luyện và đầu tư khá nhiều cho việc tham gia ứng tuyển, phỏng vấn tìm việc.
Chuẩn bị kỹ để không bị “ngộp”
“Cách tốt nhất giúp mình tự tin, mạnh dạn trước nhà tuyển dụng là chân thành và trung thực. Trung thực với năng lực và với ước muốn, khát vọng của mình. Đừng quên nhà tuyển dụng có nhiều cách để kiểm tra, đo lường trình độ, phẩm cách của người tìm việc!” - Thế tiết lộ.
Nếu năng lực, phẩm chất của con người giữ vai trò quyết định giúp họ khẳng định chỗ đứng trong nhà máy, công ty thì việc trình bày, giới thiệu bản thân để tìm kiếm công việc phù hợp phải được xem là một kỹ năng. Thực tế cho thấy không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn lúng túng, khổ sở trong các buổi tham gia phỏng vấn tuyển dụng vì “ngộp” trước nhà tuyển dụng. Điều này khiến họ bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp.
Bà Lê Mai Thảo, Giám đốc nhân sự Công ty Vĩnh Hưng (quận 7, TP HCM), kể: “Nhiều sinh viên khi đối diện với nhà tuyển dụng thì run bần bật, mặt tái xanh, nói năng lập bập không rõ ràng. Khi được hỏi về mục tiêu, kế hoạch cho tương lai, các bạn ấy không trình bày mạch lạc. Điều đó cho thấy họ không có sự chuẩn bị tốt khi đi tìm việc. Nhà tuyển dụng không đánh giá cao các bạn ấy dù nhiều người tốt nghiệp loại khá, giỏi”.
Bà Thảo cho biết thêm việc thẳng thắn, tự tin giới thiệu ưu điểm nhưng cũng sẵn sàng nêu ra nhược điểm của mình với cam kết khắc phục sẽ giúp các bạn trẻ ghi điểm trước nhà tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng như người mua hàng
Phong thái giao tiếp, ứng xử, cách trình bày ý tưởng nhằm tự giới thiệu về năng lực, kế hoạch của bản thân qua diễn đạt bằng lời nói và văn bản là điều mà các nhà tuyển dụng thường chú ý khi tiếp xúc với ứng viên. Có nhà tuyển dụng muốn qua nét chữ để nhận biết tính cách, năng lực ứng viên nên yêu cầu hồ sơ của họ phải được viết tay. Một đơn xin việc, một thư tự giới thiệu với nét chữ ngay ngắn, cẩn thận, bố cục rõ ràng, khúc chiết sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Cùng với năng lực chuyên môn phù hợp, nhiều nhà tuyển dụng thường “dễ tính” trước sự nghiêm túc, sòng phẳng cùng ý thức chủ động của người ứng tuyển. “Các bạn trẻ nên xem mình như người bán hàng và nhà tuyển dụng là khách mua hàng, cứ trao đổi thẳng thắn, rốt ráo” - chuyên gia Phạm Hiền, Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng VNNP Việt Nam, khuyên.
Có trình độ ngoại ngữ cao cũng là ưu thế của ứng viên trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng hợp tác, làm ăn với nước ngoài. Mặt khác, các chuyên gia cũng khuyên sinh viên mới ra trường nên chuẩn bị sẵn tinh thần nếu được sắp đặt một phần việc trái với chuyên môn vì đó cũng là cách để doanh nghiệp đánh giá khả năng linh hoạt, sáng tạo và mạnh dạn thử sức của người lao động.
Ông Trần Minh Phúc, Giám đốc Công ty Sáng Tạo Việt, cho rằng làm trái ngành không phải chuyện khó. Điều quan trọng là các bạn trẻ phải chứng tỏ với nhà tuyển dụng sự nhiệt tình và lòng đam mê công việc của mình.
Cần tham gia, trải nghiệm
Chương trình “Phỏng vấn thử - Thành công thật” do Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TP HCM tổ chức đã giúp nhiều bạn trẻ trải nghiệm, phát triển kỹ năng phỏng vấn, tìm việc. Góp ý của các chuyên gia giúp ứng viên hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển và cách thức trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh hiệu quả. Đây là một chương trình bổ ích dành cho sinh viên và người tìm việc, giúp họ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm tìm việc. Các chương trình tương tự thường tổ chức nhiều lần trong năm và đó là dịp mà sinh viên mới tốt nghiệp cần tham gia, trải nghiệm.
Theo Tường Phước/Báo Người lao động