Làm gì để tăng năng suất lao động ở Việt Nam?
(Dân trí) - “Ở các nước phát triển, nông nghiệp chỉ chiếm từ 3-5 % lao động. Tại Việt Nam, nông nghiệp chiếm tới 47 % lao động nhưng chỉ tạo ra sản lượng GDP 14 %. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động còn thấp”.
Đây là ý kiến của ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) - tại cuộc tọa đàm “Năng suất lao động - Yếu tố tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.
Đông người - năng suất thấp
Vị Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, việc tăng năng suất lao động (NSLĐ) phụ thuộc nhiều vào các nhiều yếu tố công nghệ, kỹ năng, quản trị, thủ tục hành chính và cơ chế chính sách…
Lĩnh vực nông nghiệp thu hút đông lao động. Nhưng lao động được đào tạo ít là một nguyên nhân khiến NSLĐ thấp.
Ông Dương Đức Lân bổ sung: “Theo Tổng Cục Thống kê, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 trong các ngành đạt 68,7 triệu đồng/người. Riêng ngành nông nghiệp đạt mức thấp nhất (27 triệu đồng/người), chỉ bằng 1/3 so với mặt bằng chung của các ngành”.
Bổ sung thêm thông số về đào tạo, ông Dương Đức Lân cho biết: “Năm 2014, tỉ lệ đào tạo tính trung bình ở các ngành là 49%. Nhưng trong nông nghiệp, lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 3,51 %, lao động được đào tạo dưới 3 tháng trên 20%”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) - đánh giá Việt Nam có nhiều ngành kinh tế sử dụng đông lao động có giá trị gia tăng thấp, gây nên tình trạng NSLĐ thấp.“Lĩnh vực nông nghiệp có thị trường chưa có đầu ra ổn định. Đúng như câu nói “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thua lỗ. Nên nếu chia giá trị gia tăng cho số lao động trong ngành nghề đó sẽ thấp” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế - cho rằng đa số các mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là hộ gia đình nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch sản xuất công nghệ cao. Doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào quy trình sản xuất nông nghiệp.“Đầu tư cho nông nghiệp rất rủi ro và không lãi lớn, chưa kể thời tiết, sâu bệnh. Mặc dù Nhà nước đã đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng khoảng 80 - 90 % dành cho cho nuôi dưỡng bộ máy và hoạt động thường xuyên” - ông Nguyễn Minh Phóng nói.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo ông Nguyễn Minh Phong, cần chuyển dịch vào những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng cao hơn như: Công nghiệp phụ trợ, phát triển CNTT, ngành tàu thủy, công nghệ chế biến và công nghệ chính xác...
Ông Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế |
Theo ông Dương Đức Lân, để nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020. “Sau 4 năm triển khai, khoảng 1,6 triệu lao động đã được đào tạo. Khoảng 1/2 số người học đã chuyển sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Số còn lại có được kiến thức để nâng cao dần NSLĐ…”.
Ông Dương Đức Lân gợi ý, các nước phát triển đang áp dụng mô hình công - tư. Theo đó, ngoài những lĩnh vực an ninh - quốc phòng và dịch vụ công, các lĩnh vực khác mà tư nhân làm tốt thì Nhà nước không cần tham gia và ngược lại.
Chuyên gia kinh tế này phân tích: “Khi kinh tế tư nhân phát triển tốt sẽ tạo ra giá trị tích cực như: Tạo ra thị trường lao động đòi hỏi lao động phải có trình độ cao; áp dụng công nghệ quản trị, kể cả công nghệ quản trị nhân sự và quản trị kinh doanh để tạo ra năng suất phù hợp. Bên cạnh đó, để cạnh tranh các doanh nghiệp phải áp dụng KHCN và nâng cao NSLĐ mạnh mẽ, sự liên kết tăng cao.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cần học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới về tăng NSLĐ. Ngoài Singapore, câu chuyện của Nhật Bản có thể giúp Việt Nam nhiều bài học về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng rất thành công.
Những năm 1950, các sản phẩm của Nhật Bản có chất lượng không cao như hiện nay. Nhưng người Nhật Bản đã chọn Mỹ là mô hình học hỏi, chia xẻ để nâng cao năng suất chất lượng.
Các chuyên gia Nhật Bản đã đúc kết và đưa ra được các mô hình cải tiến năng suất chất lượng mà Việt Nam đang áp dụng, ví dụ: Chương trình 5s, mô hình Kaizen...Về vấn đề lao động, Nhật Bản quan tâm tới nguyên tắc: Nâng cao NSLĐ đi cùng sự chia sẻ thành quả nâng cao NSLĐ. Người lao động được tăng lương, các chế độ phúc lợi xã hội được cao hơn. Lúc đó mới có thể thu hút được người lao động.
Phan Minh lược ghi