1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kỹ sư "bỏ phố về rừng" trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg

Thái Bá

(Dân trí) - Đang có công việc ổn định, lương cao ở Hà Nội, anh Phạm Tiến Duật bất ngờ "bỏ phố về rừng". Chàng kỹ sư ngày ngày ăn ngủ với loại cây lạ để đưa ra thị trường loại hoa bán "đắt như tôm tươi".

Bỏ việc nhà nước lương cao

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, sau khi tốt nghiệp đại học nông nghiệp ở Hà Nội, anh Phạm Tiến Duật (SN 1985) vào làm việc tại Bộ NN&PTNT. Khi đang có việc làm ổn định, thu nhập cao anh bất ngờ xin nghỉ việc nhà nước về nhà để tìm hướng đi mới trong tương lai.

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 1

Đang có công việc ổn định ở Hà Nội, anh Phạm Tiến Duật bất ngờ "bỏ phố về rừng" lập nghiệp với loại cây trà cực lạ (Ảnh: Thái Bá).

Nhà cửa, vợ con đều ở Hà Nội nhưng chàng kỹ sư nông nghiệp không chịu ngồi yên một chỗ mà một mình rong ruổi khắp nơi tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp phát triển, có hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2016, anh Duật khiến người thân, bạn bè bất ngờ khi quyết định rời bỏ thành phố về rừng lập nghiệp cùng với anh Vũ Văn Tâm - một người anh cùng quê có chung chí hướng. Nơi mà các anh chọn lựa để khởi nghiệm là một thung lũng hoang vu, nằm sâu trong dãy núi đá vôi ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

"Mảnh đất chúng tôi chọn để khởi nghiệp được người dân địa phương để hoang hóa vì khô cằn sỏi đá, bạc màu, ngoài cỏ dại ra không loại cây nào sống lâu được ở đây. Chúng tôi quyết tâm phải chinh phục bằng được, nếu không thành công sẽ không trở lại thành phố" - anh Duật kể.

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 2

Thung lũng đất khô cằn sỏi đá được anh Duật cùng cộng sự của mình biến thành vườn ươm hàng chục nghìn cây trà hoa vàng tươi tốt (Ảnh: Thái Bá).

Có bao nhiêu vốn liếng, hai anh đổ hết vào để giải phóng mặt bằng, cải tạo đất. Cây đầu tiên các anh đưa vào trồng là đinh lăng với hy vọng biến nơi đây thành cánh đồng mẫu lớn. Nhưng khi đinh lăng được trồng đại trà ở nhiều nơi, giá cả không còn cao, các anh vắt óc nghĩ cách khác để cứu vãn tình hình.

Khi đang loay hoay tìm hướng đi mới, anh Duật cùng bạn được biết đến cây trà hoa vàng, một loại thực vật của vườn quốc gia Cúc Phương. Tìm hiểu kỹ về loài cây này, các anh mới bất ngờ về loại dược liệu quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó có Ninh Bình.

Lặn lộn khắp các địa phương nằm bên vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương, anh Duật sưu tầm, tìm mua được nhiều cây trà hoa vàng được người dân trồng, hoặc mọc tự nhiên thường được hái lá, hoa đun nước uống hàng ngày.

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 3
Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 4

Những cây trà đầu tiên được trồng trên diện tích gần chục héc-ta nhanh chóng tươi tốt (Ảnh: Thái Bá).

Phải mất nhiều năm liền nghiên cứu, anh mới hiểu được quy trình sinh trưởng và phát triển của loài cây kỳ lạ này.

"Cây trà hoa vàng có ở một số địa phương ở nước ta nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu nào về cây này nên khi tôi bắt đầu trồng đều phải mày mò và rút ra kinh nghiệm. Cuối cùng cũng thuần phục được giống cây trà có loài hoa quý giá này" - anh Duật tâm sự.

Giấc mơ công viên trà hoa vàng đầu tiên ở Việt Nam

Hàng nghìn cây giống được anh Duật đưa từ vườn ươm ra khu đất rộng cả chục héc-ta để trồng. Hệ thống ống tưới nhỏ giọt được đầu tư đưa đến tận từng gốc cây trà. Các quy trình chăm sóc đều được tự động hóa và áp dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM). Cây trà hợp thổ nhưỡng, khí hậu phát triển tốt, chỉ sau 4 năm đã bắt đầu cho thu hoa.

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 5
Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 6

Chỉ sau 4 năm trồng và chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, những cây trà hoa vàng đã cho ra hoa và thu hái được sản phẩm (Ảnh: Thái Bá).

"Từ ngày trồng trà hoa vàng, mình say mê loài cây này nên không kể ngày hay đêm đều dành hết tâm huyết để chinh phục. Hàng ngày mình ăn ngủ tại nông trại để kiểm tra vườn ươm, chỉ đạo công nhân làm cỏ bón phân. Cây trà được mình trồng 100% không sử dụng đất phân hóa học, thuốc trừ cỏ, trừ sâu hóa học mà đều bằng các phương pháp hữu cơ" - chàng kỹ sư cho hay.

Năm 2020, khi thu hoạch được những lứa hoa trà đầu tiên, anh Duật đem sấy khô bằng công nghệ sấy thăng hoa ở nhiệt độ âm 50 độ C. Toàn bộ màu sắc, hình dạng, kích thước và các hoạt chất, khoáng chất, vitamin… trong hoa trà đều được giữ nguyên.

Anh Duật bắt đầu đưa ra thị trường những sản phẩm từ trà hoa vàng đầu tiên mang thương hiệu trà hoa vàng Cúc Phương. Anh không ngờ loài hoa trà có giá đắt đỏ này lại được nhiều người săn đón, không tiếc tiền để mua nên bán hết vèo vèo.

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 7
Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 8

Hoa trà sau khi được thu hái trên cây sẽ đưa vào tủ lạnh âm hàng chục độ C, sau đó sấy thăng hoa để đảm bảo nguyên chất (Ảnh: Thái Bá).

Chỉ một năm sau đó, 4 sản phẩm từ hoa trà hoa vàng đã được tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Sau đó, được chọn là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc tỉnh Ninh Bình năm 2021 và khu vực phía Bắc năm 2022.

"Hiện nay mỗi ngày gần chục héc-ta trồng chuyên canh cây trà hoa vàng Cúc Phương của mình thu hái được hơn 10kg hoa trà tươi. Số hoa này sau khi sấy khô còn lại được một nửa, với giá thành hiện tại khoảng chục triệu đồng/kg hoa trà khô mình thu được hàng chục triệu đồng" - anh Duật chia sẻ.

Chàng kỹ sư tiết lộ, nguồn thu từ bán sản phẩm hoa trà trong những năm gần đây cơ bản ổn định, trong những năm tới cây trà phát triển lớn hơn thì số lượng hoa thu về cao hơn. Chưa hết, lá trà cũng thu hoạch để chế biến ra các sản phẩm trà.

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 9

Sản phẩm trà hoa vàng Cúc Phương của anh Duật có giá bán chục triệu đồng/kg hoa trà khô nhưng cũng không đủ hàng cung ứng cho thị trường (Ảnh: Thái Bá).

Hiện nay anh Duật cùng cộng sự đang dành toàn bộ số tiền thu được từ bán sản phẩm hoa trà để mua, sưu tầm thêm nhiều giống trà hoa vàng khác trong nước và nước ngoài về để tập trung cho nghiên cứu, phát triển thành công viên trà hoa vàng.

Anh Phạm Tiến Duật tâm sự: "Sau nhiều năm "bỏ phố về rừng", dù vợ con vẫn ở thành phố nhưng chưa bao giờ anh có ý định trở lại nơi đây để làm việc. Không chỉ để tránh xa khói bụi, ồn ào, mà mình vẫn đang nỗ lực để dành trọn tâm huyết cho dự án xây dựng công viên trà hoa vàng Ninh Bình - công viên trà hoa vàng đầu tiên ở Việt Nam".

Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 10
Kỹ sư bỏ phố về rừng trồng loại cây hái hoa bán giá chục triệu đồng/kg - 11

Hiện tại công viên trà của anh Duật cùng cộng sự đang có hơn chục loại trà hoa vàng quý hiếm của Việt Nam và thế giới (Ảnh: Thái Bá).

Hiện công viên trà hoa vàng đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 người dân địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

"Trong tương lai, khi công viên phát triển hơn nữa thì số lượng người làm việc sẽ tăng lên. Mình rất vui vì đã tạo được việc làm cho người dân địa phương ngay tại vùng đất mà trước kia ai cũng lắc đầu vì nơi đây được ví như vùng đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" - anh Duật nói.