Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm

Phạm Công

(Dân trí) - Những năm trở lại đây, thú chơi cây, hoa ngày Tết trở nên đa dạng và phong phú hơn. Ngoài đào, quất, mai,.. nhiều người còn "săn lùng" loại trà cổ thụ, tuổi đời lâu năm, dáng thế đẹp mắt về chơi Tết.

Bán giá trị thời gian

Đến với xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) hỏi thăm vườn cây trà của anh Chử Văn Biên, nơi có hàng trăm cây trà lớn nhỏ, có những cây trà gần một trăm năm tuổi làm nức lòng người chơi hoa, cây cảnh.

Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán những những gốc trà tại vườn nhà anh đều đã có khách đặt hàng từ giữa năm. Vào thời điểm này, vườn trà nhà anh Chử Văn Biên bắt đầu nở những bông hoa đầu tiên. 

Chia sẻ của ông chủ vườn trà cổ

Anh Chử Văn Biên cho biết: "Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại trà cổ như: trà phấn hồng, trà thâm, trà lựu, trà bạch nhụy, trà vàng… mỗi loài hoa lại có một vẻ đẹp khác nhau. Hiện tại vườn nhà tôi chủ yếu là trà bạch và trà thâm bát diện".

Theo anh, sở dĩ trà cổ những năm gần đây được ưa chuộng là bởi có hoa trà có bông to, mùi thơm dịu với nhiều màu sắc khau nhau rất đẹp mắt. Một năm, cây trà thường ra một vụ hoa nhưng nở rất bền, đẹp, mỗi lứa kéo dài trong khoảng 3 - 4 tháng. Cây trà càng có tuổi đời lâu năm, hoa đẹp, dáng thế độc lạ càng được trả giá cao.

Dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm nay, tại vườn trà nhà anh Chử Văn Biên có khoảng 200 cây trà xuất bán. Giá trị cao nhất là cây trà hơn 70 năm tuổi đã được khách đặt với giá 250 triệu đồng. Cũng không ít những cây trà có giá bình dân vài trăm đến vài triệu đồng. 

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 1

Vườn trà của anh Biên năm nay dự kiến sẽ xuất bán 200 cây

"Càng cây già, to giá trị càng cao nên giá cây trà phụ thuộc vào tuổi cây. Cũng không ít cây trà đẹp, quý hiếm mà người chơi có tiền cũng không mua được" - anh Chử Văn Biên chia sẻ.

Theo anh, bông hoa trà khi nở cánh hoa mịn, cánh nọ lồng vào cánh kia, thể hiện sự sum vầy, sung túc. Nhụy hoa vàng phải khi hoa bung hết cánh mới thấy. Bắt đầu vào tháng Mười âm lịch, bạch trà my sẽ nở lác đác bông đầu, sau đó đến phấn hồng, rồi hồng trà bát diện sẽ theo nhau nở, bông nọ nối bông kia, đến Tết Nguyên đán là cây trà thâm bát diện rực rỡ nhất.

Loài cây "khó tính"

Theo kinh nghiệm 20 năm trồng trà của anh Chử Văn Biên thì đây là loài cây rất khó tính. Nuôi dưỡng một cây trà sống khỏe mạnh đã khó, để cây ra hoa đều đẹp lại càng khó hơn mà để cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán thì cần cả một quá trình dài chăm sóc.

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 2

Theo anh Biên, trà là loại cây khó trồng

Để trồng được cây trà, ngoài kinh nghiệm cha ông truyền lại, theo anh cần áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến như phân bón, hệ thống nhà kính,… Cây trà phát triển tốt vào mùa đông rất kị nắng, sương muối và gió heo may.

"Một cây trà đẹp thì phải đẹp từ gốc đến ngọn rồi hoa. Cây trà rất kén người chơi, để "nuôi" được một cây trà đẹp, nước phải tưới đủ, sử dụng phân hữu cơ, phân bón lá, bón rễ, dưỡng hoa... tùy thời điểm. Quá thừa dinh dưỡng thì cây ít hoa, có khi không ra, nhưng nếu thiếu thì cây còi cọc, cành tán yếu mỏng, hoa nhỏ." - anh Biên cho biết.

Cũng theo anh Biên, cây trà phát triển rất chậm nên người trồng ngoài đam mê cũng cần có tính tỉ mỉ và kiên nhẫn. Bộ rễ cây rất yếu nên việc nhân giống cũng gặp nhiều khó khăn. Để săn được những cây trà cổ, gốc già, nghe tin ở đâu có người muốn bán là anh lên đường, vào Nam, ra Bắc phải mua cho bằng được.

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 3

Cây trà cổ có giá hàng trăm triệu đồng tại vườn nhà anh Biên 

Vì khó trồng nên nhiều người thích nhưng không có thời gian, kỹ thuật để chăm sóc nên  hàng năm người chơi trà đi "săn" từ tháng 10 âm lịch khi đó cây trà vẫn còn đang nuôi nụ. Chẳng thế mà những cây trà đẹp tại vườn nhà anh Chử Văn Biên đều đã có khách đặt.

"Năm nay thời tiết nóng lạnh thất thường nhiều cây cũng không kịp ra đúng Tết Nguyên đán. Dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến giá của cây hoa trà", anh Chử Văn Biên Cho biết thêm.

Theo thị hiếu người mua, dự định của anh Chử Văn Biên trong tương lai sẽ mở rộng mô hình trồng cây trà và dự định sẽ thành lập câu lạc bộ những người đam mê cây trà để giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm chơi loại cây đẹp kiêu sa mà "khó tính" này.

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 4

Trà bạch thường nở sớm vào đầu tháng 11 âm lịch

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 5

Cây trà cần được chăm sóc rất tỉ mỉ

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 6

Những cây trà bon sai tại vườn dự kiến bán trong dịp Tết Nguyên đán

Trồng loại cây khó tính, nông dân thu trăm triệu mỗi năm - 7

Vườn cây trà của anh Chử Văn Biên, nơi có hàng trăm cây trà lớn nhỏ