Kinh tế xanh mở ra nhiều cơ hội việc làm nghìn USD/tháng cho nhân lực Việt

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, định hướng kinh tế xanh tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu lớn về nguồn lực xanh trong tương lai. Khi đó, nhiều lao động Việt dễ dàng đạt được mức lương hàng nghìn USD/tháng.

Theo nghiên cứu của World Bank, Việt Nam hiện có 39 ngành nghề xanh, chiếm 3,6% tổng số việc làm, tập trung ở các ngành điện, khí đốt và cấp nước, khai mỏ, dịch vụ thị trường…

Song trong tương lai, có đến 88 ngành nghề được dự đoán có tiềm năng trở thành việc làm xanh, chiếm 41% tổng số việc làm trên thị trường. Các vị trí việc làm liên quan đến phát triển bền vững như an toàn lao động, nghiên cứu, kiểm soát chất lượng… có thể đạt mức lương hàng nghìn USD/tháng. 

Kinh tế xanh mở ra nhiều cơ hội việc làm nghìn USD/tháng cho nhân lực Việt - 1

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn "TPHCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại Diễn đàn "TPHCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh" do Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức, PGS. TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, cho hay theo "Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia", Việt Nam cần đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 15-20% vào 2030 và 20-30% vào 2045.

Vì thế, thị trường lao động sẽ có thêm nhiều "việc làm xanh" mới. Nhu cầu về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sinh khối, sinh nhiên liệu… sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn vướng không ít khó khăn, tác động đến công tác đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng kinh tế xanh trong tương lai.

"Một trong những khó khăn đáng kể chính là thiếu công nghệ phù hợp để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế xanh. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với công nghệ sinh khối. Khung pháp lý chưa hoàn thiện, chưa có chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh", PGS. TS Lê Thanh Hải nói.

Kinh tế xanh mở ra nhiều cơ hội việc làm nghìn USD/tháng cho nhân lực Việt - 2

PGS. TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng các cơ sở đào tạo tại Việt Nam cũng chưa có hệ thống đào tạo chuyên biệt về các lĩnh vực xanh, mà chỉ mới được lồng ghép trong các ngành học khác.

Điều này khiến công tác đầu tư phương pháp giảng dạy, kiến thức, kỹ năng, thiết bị, hạ tầng… cho nhân lực xanh đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Điển hình như ngành năng lượng sinh học, là lĩnh vực rất cần thiết, nhưng lại chưa có đủ nhân lực cho ngành.

Nếu khắc phục được những vướng mắt nói trên, PGS. TS Lê Thanh Hải khẳng định kinh tế xanh sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn cho thị trường lao động, đặc biệt là thu nhập và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Nguyệt, để gỡ vướng cho kinh tế xanh, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế. Trong đó, những việc cần làm bao gồm luật hóa về năng lượng tái tạo; lập quy hoạch và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo; xác định ưu tiên cho các loại hình năng lượng theo thời kỳ; tiếp tục cải cách thủ tục, quy trình…; hình thành cơ chế liên thông, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, Việt Nam cần hoàn thiện cơ cấu đấu thầu, hợp đồng mua bán điện phù hợp; mở cửa và đảm bảo cạnh tranh; kết nối với thị trường trong khu vực và thế giới.

Để hoàn thành chính sách về nguồn lực, TS Nguyễn Thị Hồng Nguyệt cho rằng cần tập trung ưu tiên đầu tư và áp dụng công nghệ mới; có chính sách ưu tiên chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng áp dụng công nghệ và xử lý linh hoạt…

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, mà còn góp phần đảm bảo cho người dân TPHCM một môi trường sống lành mạnh và phát triển bền vững.

Thời gian qua, kinh tế xanh đã và đang trở thành một lĩnh vực sôi động thu hút sự hưởng ứng của người dân, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Kinh tế xanh mở ra nhiều cơ hội việc làm nghìn USD/tháng cho nhân lực Việt - 3

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: K.C).

Để làm được điều đó, chính quyền TPHCM xác định xây dựng 3 trụ cột lớn gồm khung pháp lý (gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất); bộ tiêu chí có thể đo lường (trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…, từng phân xưởng, nhà máy, gia đình phải đo lường được phát thải để điều chỉnh); mô hình mẫu, một địa phương xanh (huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh…