Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:
"Đào tạo phải phù hợp nhu cầu thị trường, tạo việc làm bền vững"
(Dân trí) - "Đào tạo cần phải phù hợp với cung cầu và nhu cầu của thị trường lao động, góp phần làm giảm lao động ở khu vực phi chính thức, tạo ra việc ổn định và bền vững", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Cục Việc làm nhằm triển khai một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Cùng dự có Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể các cán bộ công chức, viên chức của Cục.
Đảm bảo tiến độ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, những năm vừa qua, Cục đã tích cực, chủ động thực hiện các công việc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, nỗ lực đảm bảo tiến độ, chất lượng và đảm bảo đúng quy trình, quy định của Bộ và pháp luật hiện hành.
Riêng trong năm 2024, Cục đã bám sát các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ giao và ban hành nhiệm vụ trọng tâm của Cục trên cơ sở các quy chế hiện hành, đảm bảo xin và tiếp thu ý kiến của các cấp, các tổ chức trong Cục.
Về công tác xây dựng văn bản, Cục đã tập trung nỗ lực đảm bảo các quy định, trình tự hiện hành, nổi bật là trong công tác xây dựng hồ sơ Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Đến nay, Cục đã tham mưu trình Bộ để Bộ trình Chính phủ ban hành Tờ trình 410/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Các văn bản được giao khác đã hoàn thiện, hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.
Về các lĩnh vực chuyên môn, theo Cục trưởng Cục Việc làm, từ đầu năm đến nay, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu quốc gia do Bộ LĐ-TB&XH theo dõi, tổng hợp hiện nay đều đạt; dự kiến cả năm 2024 sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Về lĩnh vực chính sách việc làm, Cục Việc làm đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để tham mưu, đề xuất các khoản tín dụng hỗ trợ việc làm, triển khai các chính sách việc làm mới.
Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Cục đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam, Thanh tra Bộ và các địa phương triển khai hiệu quả chính sách BHTN, tháo gỡ, hoàn thiện thủ tục hành chính nhằm phục vụ lợi ích người lao động.
"Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực, dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội", ông Bình nói.
Về quản lý lao động, theo lãnh đạo Cục Việc làm, những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2024, Cục đã từng bước hoàn thiện quy trình thủ tục hành chính liên quan tới quản lý lao động nói chung và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng.
Ngoài việc tham mưu ban hành Nghị định 152 năm 2020 và Nghị định 70 năm 2023, Cục đã chủ động tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài trên địa bàn cả ba vùng Bắc - Trung - Nam; hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc xin cấp phép lao động.
Về hoạt động của Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm và hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc, theo ông Bình, Trung tâm này tích cực triển khai liên kết, gắn kết 63 Trung tâm dịch vụ việc làm, tập huấn, hướng dẫn, phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm quy mô vùng và trên toàn quốc.
Ngoài ra, trung tâm đã thu thập thông tin thị trường lao động và thực hiện các báo cáo thường xuyên, đột xuất, làm cơ sở tham mưu kịp thời để ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường lao động qua các giai đoạn và biến động khác nhau của thị trường.
"Cục Việc làm có ổn định, thì việc làm cả nước mới bền vững"
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Cục Việc làm trong thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là cơ quan giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành LĐ-TB&XH.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị, Cục Việc làm tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị trên tinh thần cầu thị, để điều chỉnh.
"Những việc đã làm tốt, thì phát huy, chưa tốt phải điều chỉnh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, trong công việc chung, sự phối hợp giữa các bên cần chủ động và hiệu quả hơn, trên tinh thần đoàn kết, như "người một nhà", không phân biệt "của anh" hay "của tôi".
Theo Bộ trưởng, ở nhiệm kỳ trước, ưu tiên cao nhất đã được dành để giải quyết các vấn đề liên quan đến người có công, người yếu thế, và đã giải quyết căn bản được những vấn đề này.
Hiện nay, ngành LĐ-TB&XH xác định, nhiệm vụ trọng tâm là vấn đề lao động việc làm và thị trường lao động, bởi đây chính là xương sống của ngành LĐ-TB&XH.
Bộ trưởng ghi nhận, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có Cục Việc làm, nhiều vấn đề đã được giải quyết hiệu quả. Đặc biệt, thị trường lao động đã duy trì sự ổn định và bền vững sau đại dịch Covid-19, với việc không để thị trường lao động bị đứt gãy nghiêm trọng.
Thị trường lao động đã thực sự trở thành một phần quan trọng trong 5 lĩnh vực của nền kinh tế thị trường.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng đánh giá cao Cục Việc làm trong việc tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho việc quản lý và phát triển thị trường lao động.
Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Cục Việc làm tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thị trường lao động linh hoạt, ổn định, bền vững và bao trùm. Đây là nhiệm vụ chính của ngành lao động, và cần phải điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng trong thị trường lao động.
Cùng với đó, Cục cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lao động và việc làm. Theo Bộ trưởng, đào tạo cần phải gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động để giảm thị trường lao động phi chính thức và tạo việc làm bền vững.
"Đào tạo nhằm phục vụ thị trường lao động, nhưng để thị trường lao động phát triển tốt, cần phải chú trọng công tác đào tạo. Hai yếu tố này phải gắn kết chặt chẽ với nhau.
Đào tạo cần phải phù hợp với cung cầu và nhu cầu của thị trường lao động. Đây chính là bước đột phá trong công tác đào tạo, góp phần làm giảm lao động ở khu vực phi chính thức, tạo ra việc làm ổn định và bền vững", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ Việc làm, thời gian tới cần tiến hành đổi mới toàn diện theo hai hướng: phát triển hệ thống dịch vụ công và xây dựng cơ chế nhà nước đặt hàng, nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Việc làm cần xây dựng mối quan hệ công tác tốt, lãnh đạo gương mẫu và cải tiến quy trình thủ tục, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả trong công tác quản lý.
"Việc làm cả nước muốn bền vững, trước hết Cục Việc làm phải ổn định, đoàn kết, thống nhất", Bộ trưởng nhắn nhủ.
Về dự án việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Văn Thanh chủ trì và chịu trách nhiệm toàn quyền về dự án, trực tiếp báo cáo Bộ trưởng.
Cuối cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào Dự án Luật Việc làm sửa đổi, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Ông yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Việc làm và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp về các vấn đề liên quan đến kỹ năng nghề, đào tạo và cấp bằng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát công khai và minh bạch các thủ tục cấp phép và thực hiện kết luận thanh tra để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển thị trường lao động.