1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiên Giang:

Kiếm trăm triệu khỏe re nhờ biến bè cá giữa biển thành điểm trải nghiệm

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Tận dụng diện tích mặt bè anh Nguyễn Minh Nhựt (ở tỉnh Kiên Giang) vừa nuôi cá vừa cho khách tham quan, ăn uống, vui chơi tại bè mang về thu nhập hấp dẫn.

Kiếm trăm triệu khỏe re nhờ biến bè cá giữa biển thành điểm trải nghiệm  - 1

Hòn Nghệ được mệnh danh là "viên ngọc thô" của tỉnh Kiên Giang đang được nhiều du khách khám phá (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nuôi cá đặc sản "đắt như tôm tươi"

Đến với nghề nuôi cá lồng bè hơn 7 năm, anh Nguyễn Minh Nhựt (43 tuổi, ngụ tại ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) là nông dân đầu tiên kết hợp nuôi cá trên biển và tổ chức cho khách trải nghiệm ăn uống, vui chơi tại bè, nâng cao chất lượng ngành du lịch cho xã đảo quê nhà. 

Kiếm trăm triệu khỏe re nhờ biến bè cá giữa biển thành điểm trải nghiệm  - 2

Anh Nguyễn Minh Nhựt đã tiên phong trong nghề nuôi cá kết hợp làm du lịch trên biển (Ảnh: Bảo Kỳ).

Anh nông dân nuôi cá bè kết hợp làm du lịch cho thu nhập khá (Clip: Bảo Kỳ)

Anh Nhựt cho biết, nuôi cá bè là ngành nghề sản xuất chính yếu của bà con địa phương, phát triển nhiều năm nay, giúp người dân có cuộc sống ổn định. Học nghề từ những người đi trước, anh Nhựt tìm ra Nha Trang mua cá giống, xây bè rồi tập tành nuôi cá lồng bè.

Thời điểm trước dịch Covid-19, anh Nhựt có 10 bè nuôi cá với trên dưới 10 loại hải sản như cá bớp, cá mú, cá hồng mỹ, cá chuộng... Sản lượng bình quân khoảng 5 tấn cá/năm. 

"Nuôi cá lồng bè trên biển đòi hỏi nhiều kỹ thuật về chọn con giống khỏe, sạch bệnh, thức ăn và quy cách đóng bè. Ở đây tôi chủ yếu nuôi cá thương phẩm, giai đoạn từ con giống đến xuất cá thịt mất khoảng một năm. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước và động vật phù du phong phú, con cá ở Hòn Nghệ thơm ngon vượt trội, luôn đắt hàng như tôm tươi", anh Nhựt nói thêm. 

Kiếm trăm triệu khỏe re nhờ biến bè cá giữa biển thành điểm trải nghiệm  - 3

Cá mú trân châu đang hút hàng, giá lên đến 300.000 đồng/kg mà vẫn không đủ bán (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo chủ bè, giai đoạn cá giống cần cho ăn thức ăn công nghiệp, sau đó mới chuyển sang cho ăn cá tạp. Với số bè cá đang có mỗi ngày, anh tiêu thụ khoảng 100kg cá tạp. 

Từ sau dịch Covid-19, giá cá thương phẩm đã ổn định trở lại, cá tai tượng từ 100.000 đồng/kg, cá bớp 200.000 đồng/kg, cá mú trân châu 290.000-300.000 đồng/kg, cá chuộng 250.000 đồng/kg. 

"Diện tích bè của tôi tương đối nhỏ, mỗi năm chỉ kiếm được tầm 200 triệu đồng từ nghề nuôi cá lồng bè", anh Nhựt tiết lộ. 

Kiếm trăm triệu khỏe re nhờ biến bè cá giữa biển thành điểm trải nghiệm  - 4

Cá tai tượng có giá trên 100.000 đồng/kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

Mở lối cho ngành du lịch cho quê hương

Hỏi về lý do làm du lịch trên bè cá, ông chủ U50 chia sẻ, thấy du khách khi đến Hòn Nghệ phải chật vật tìm chỗ ăn uống, anh đã có sáng kiến xây dựng một điểm phục vụ ăn uống và vui chơi trên bè. 

"Tôi nuôi bè cá kết hợp làm du lịch được 2 năm nay rồi, thấy hiệu quả rất khả quan. Tận dụng diện tích sàn còn trống trên mặt bè, tôi mua thêm bàn ghế làm chỗ cho khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống. Thực đơn chủ yếu là các loại cá được nuôi tại bè. Còn ốc, sò, ghẹ... thì tôi mua từ các hộ chuyên đánh bắt để phong phú thêm món ăn. 

Ngoài ra khách còn được trải nghiệm hoạt động thú vị như một ngày làm ngư dân nuôi cá lồng bè, câu cá, lặn biển bắt ốc, bắt nhum hay đi câu mực", anh Nhựt cho hay. 

Kiếm trăm triệu khỏe re nhờ biến bè cá giữa biển thành điểm trải nghiệm  - 5

Du khách Chí Công (ở Hậu Giang) phấn khích câu được con cá bớp tại bè (Ảnh: Bảo Kỳ).

Được biết, thời gian qua anh Nhựt đã liên kết được một công ty lữ hành, phía đơn vị này sẽ tổ chức tour, đưa đón khách bằng tàu cao tốc còn cơ sở của anh Nhựt sẽ phục vụ ăn uống, vui chơi khi ra đến đảo.

Hiện anh Nhựt có 2 bè tham quan với sức chứa 80 thực khách, khách đông vào dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết. Nhờ bắt nhịp kịp theo xu hướng thị trường, bè cá của anh Nhựt đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá nghề nuôi cá bè, một nét sinh hoạt đời sống và sinh kế của người dân vùng xã đảo. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ cho biết, nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm là mô hình kinh tế mũi nhọn, đặc trưng của địa phương. Toàn xã hiện có 1.087 lồng bè, sản lượng cung cấp 500-530 tấn cá/năm. Do điều kiện còn hạn chế, bà con địa phương chưa có trang trại nhân giống nên nguồn giống vẫn phụ thuộc ở Nha Trang, Vũng Tàu hay nhập từ Indonesia. 

"Cá ở Hòn Nghệ rất được thị trường ưa chuộng, một số loại như cá mú sao, cá mú cọp thường xuất sang thị trường Hong Kong, Trung Quốc. Nhưng thời gian qua, do dịch bệnh hiện lượng cá lồng bè của bà con chủ yếu tiêu thụ trong nước. Riêng cá mú, cá bớp đang rất hút hàng, nuôi không đủ bán", ông Minh cho hay.