Nuôi cá "quý tộc" thu hàng trăm triệu mỗi năm
(Dân trí) - Trại cá cảnh của anh Nguyễn Tấn Phong có quy mô 7ha, chuyên cung cấp giống và cá thương phẩm như Koi, Chép Nhật, Nam Dương... Mỗi vụ, anh Phong có thể thu về lợi nhuận đến 250 triệu đồng/ha.
Làm giàu từ cá cảnh
Có truyền thống là nghề trồng lúa, nuôi cá thịt trải qua nhiều thăng trầm nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cho đến năm 2008 khi chuyển đổi sang nuôi cá cảnh, anh Nguyễn Tấn Phong (ngụ tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM) mới có được thành công mỹ mãn.
Với 7ha chuyên sản xuất, cung cấp cá giống và cá thương phẩm như: Cá Koi, chép Nhật, Nam Dương... anh Phong có thể đạt lợi nhuận 1 vụ khoảng 250 triệu đồng/ha. Mỗi năm anh Phong có thể khai thác 2 vụ nuôi cá, mỗi vụ khoảng 4 tháng.
Những năm đầu, khi anh Phong mới chuyển sang nuôi cá cảnh thì gặp rất nhiều khó khăn từ việc phải cải tạo nguồn nước, lắp các máy oxy…Do trước đó, anh chỉ có kinh nghiệm nuôi cá thịt. Tuy nhiên, sau khi đi thăm quan, học tập mô hình trên các địa phương khác, anh đã nắm được kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn từ đó áp dụng vào mô hình của mình.
“Cái khó của người nông dân nuôi cá kiểng trong ao hiện nay chính là nguồn nước, do địa phương sử dụng nguồn nước ở sông mà ở sông thì nguồn nước có tình trạng bị ô nhiễm do các khu công nghiệp thả ra vì vậy nên mình phải bơm nước vào ao lắng rồi xử lý nước sao cho nó phù hợp với cá”, anh Phong chia sẻ.
Đồng thời, anh cũng áp dụng phương pháp nuôi cá cảnh trong ao lót bạt để tránh xói bờ, ứng dụng máy sục khí tạo oxy để cá không bị ngộp ban đêm, ứng dụng mái che ao nuôi cá giống tránh thất thoát khi gặp mưa.
Từ đó, làm tăng hiệu quả sản xuất lên 2 - 3 lần (trước đó, 1 ha thả nuôi vài chục ký, nay đã thả nuôi mật độ 1,5 tấn cá/ha).
Đầu ra chính của anh Phong hiện tại là các trại cá tại địa phương và trại cá tại các quận trên địa bàn thành phố. Giá bán đối với cá chép Nhật hiện từ 100-120 ngàn đồng/ kg, với cá Koi từ 400-500 ngàn đồng/ kg.
Hỗ trợ nông dân cùng làm giàu
Khi đã xây dựng trại cá cảnh Tấn Phong thành công và có một chỗ đứng nhất định trên thị trường, anh Phong đã cùng với Hội nông dân xã đã phối hợp để vực dậy Tổ hợp cá cảnh xã Bình Lợi.
Anh vận động nông dân trên địa bàn cùng chuyển đổi qua mô hình nuôi cá cảnh này, tổ chức lại sản xuất, sử dụng nguồn lực, con giống từ trại cá cảnh của mình để hỗ trợ bà con phát triển mạnh nghề cá cảnh.
Để nông dân địa phương mạnh dạn nuôi cá cảnh, thì anh đã hỗ trợ kỹ thuật, con giống và bao tiêu đầu ra cho cá thành viên trong tổ. Sau khoảng 4 tháng nuôi, anh thu mua lại cá của các thành viên theo giá thị trường.
Từ khi có đầu ra ổn định, các thành viên hăng hái sản xuất, mở rộng quy mô (lên 18 ha với 8 thành viên), giúp nguồn lợi cá cảnh tăng lên đáng kể, tính ra, mỗi ngày tổ xuất bán 100 kg, với giá dao động 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Ba - một hộ nuôi cá Koi tại ấp 1 - cho biết, gia đình ông có 2 ha, trước đây nuôi cá thịt nhưng không hiệu quả. Năm 2015 khi thấy nhà anh Phong nuôi cá Koi đạt kinh tế cao, ông đã mạnh dạn học cách làm theo. Được anh Phong cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, từ đó đến nay gia đình ông luôn ổn định về kinh tế.
Với hộ ông Lê Văn Nghĩa, có 1,5 ha, trước đây chuyên sản xuất cá mồi để làm thức ăn cho cá, cung ứng cho các hộ nuôi cá thịt tại địa phương. Từ khi nhiều đa số hộ nông dân chuyển đổi sang nuôi cá kiểng thì không còn phù hợp nữa.
“Gia đình tôi được Hội Nông dân vận động chuyển đổi và được anh Phong hướng dẫn kỹ thuật nên đã mạnh dạn vay thêm vốn cải tạo ao hồ chuyển sang nuôi cá Koi, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi thu nhập ổn định khoảng gần 200 triệu mỗi năm”, ông Nghĩa vui vẻ cho biết.
Với vai trò tổ trưởng Tổ hợp tác cá cảnh Bình Lợi, anh Nguyễn Tấn Phong đã giúp tổ phát triển mạnh nghề cá, tạo nguồn thu nhập ổn định cho 8 thành viên với khoảng thu nhập 30 - 40 triệu đồng/tháng. Đồng thời, góp phần hình thành làng nghề cá cảnh xã Bình Lợi.