1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh "đen như bóng đêm"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nhân công tham gia vào các công đoạn sản xuất bánh gai đều có mức thu nhập ngang nhau. Nếu làm việc chuyên cần, mỗi nông dân có thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Nghề sản xuất bánh gai có từ bao giờ, những người già nhất ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An cũng không còn nhớ. Chỉ nhớ rằng, từ nhỏ, họ đã theo cha mẹ làm ra thứ bánh "đen như bóng đêm này".

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 1

Nghề sản xuất bánh gai tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (Ảnh: H.Minh).

Thứ bánh có màu đen đặc trưng từ lá gai không dễ thu hút thực khách về vẻ bề ngoài nhưng lại gây ấn tượng bởi hương vị và sự thơm ngon đặc biệt. Dẻo của nếp, bùi của đậu xanh và sợi cùi dừa, ngọt của đường kính, hương vị đặc trưng của lá gai, qua bàn tay của người dân nơi đây đã không dừng lại ở thứ quà quê mà trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 2

Loại bánh không thu hút về màu sắc nhưng khi ăn một lần dễ khiến thực khách nhớ mãi bởi hương vị đặc trưng của bột nếp, đậu xanh, cùi dừa và lá gai (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo ông Nguyễn Tài Quý - Chủ tịch UBND xã Tường Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), hiện tại trên địa bàn có 30 hộ gia đình sản xuất bánh gai. Trong đó có 15 cơ sở sản xuất quy mô lớn, sử dụng hàng chục lao động thường xuyên.

Kiếm tiền trăm từ nghề sản xuất bánh "đen như bóng đêm" (Thực hiện: Hoàng Lam).

Theo bà Bùi Thị Lan - Chủ cơ sở sản xuất bánh gai tại xã Tường Sơn, trung bình mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất gần 5.000 chiếc bánh cung cấp cho thị trường. Vào cao điểm mùa Hè, khi lượng khách du lịch đông và dịp Tết Nguyên đán thì số lượng bánh sản xuất mỗi ngày tăng cao, do đó cơ sở phải sử dụng nhiều lao động, trong đó có hơn 20 lao động thường xuyên.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 3

Tham gia vào các công đoạn sản xuất bánh gai chủ yếu là phụ nữ đã luống tuổi (Ảnh: Hoàng Lam).

"Nghề thủ công truyền thống nên không cần nhiều kỹ năng, hầu như ai quen tay đều có thể làm được. Lao động ở đây chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và học sinh, tranh thủ thời gian nghỉ học hay mùa nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Người làm việc ở đây được trả công theo ngày. Toàn xã có 15 hộ gia đình tham gia vào Hợp tác xã sản xuất bánh gai, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động", bà Lan cho hay.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 4

Việc tuốt lá gai tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mỉ bởi thứ bột sau khi giã lá gai đã luộc quyết định độ mịn của bánh (Ảnh: Hoàng Lam).

Bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1961, thôn Quyết Thắng, xã Tường Sơn) cặm cụi ở một góc xưởng. Nhiệm vụ của bà Sâm là cắt lá chuối khô thành từng tấm, lớn cỡ hơn bàn tay và dùng khăn lau sạch mặt lá.

"Công việc không khó, chỉ cần tỉ mỉ và cẩn thận là được, lau phải sạch nhưng không được dùng sức đè xuống để tránh rách lá", bà Sâm cho hay. Mỗi ngày, người phụ nữ này kiếm được 100 nghìn đồng từ công việc khá nhẹ nhàng này.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 5

Bà Nguyễn Thị Sâm phụ trách công đoạn cắt, chùi lá chuối khô. Công việc này đưa lại khoản thu nhập 100.000 đồng/ngày cho bà (Ảnh: Hoàng Lam).

Ở góc sân khác, bà Lê Thị Hạnh (SN 1957, trú xã Tường Sơn) đang thoăn thoắt tuốt lá gai ra khỏi cành. Bàn tay to bè, sần sùi, cầm vào phía gốc, kéo mạnh về phía ngọn, nắm lá gai đã nằm gọn trong tay. Lòng bàn tay bà Hạnh đen nhẻm bởi nhựa lá gai dây vào.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 6

Bánh gai Tường Sơn mỗi chiếc chỉ độ một lạng, gói trong lá chuối khô rồi hông lên. Dưới bàn tay khéo léo của người gói, cả trăm cái như một, cứ 2 cái buộc thành một cặp, bán với giá từ 2.000-2.500 đồng (Ảnh: Hoàng Lam).

"Đừng tưởng tuốt lá gai là dễ. Chiếc bánh mịn hay không là do lá gai quyết định. Tuốt phải khéo léo và kỹ thuật để lấy phần lá, không để lẫn cuống vào bởi lá gai sau khi luộc lên được nghiền thành bột mịn, trộn đều với bột nếp. Nếu lá có lẫn nhiều cuống thì lúc xay hay giã bột sẽ bị xơ, bánh khó mịn được", bà Hạnh cho hay.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 7

Món ăn dân dã này hiện trở thành đặc sản, mang lại thu nhập và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm người dân địa phương (Ảnh: Hoàng Lam).

Dù là công đoạn cắt, lau lá chuối hay tuốt lá gai, vê bột, gói bánh thì đều có mức tiền công như nhau. "Tiền công mỗi ngày 100 nghìn đồng, nếu cả tháng đi chuyên cần cũng được 3 triệu. Tuy là không nhiều nhưng ở nông thôn, với người già như chúng tôi thì khoản này cũng đủ chi tiêu cho thức ăn hàng ngày", bà Hạnh chia sẻ.

Kiếm trăm nghìn khỏe re mỗi ngày từ thứ bánh đen như bóng đêm - 8

Các cơ sở sản xuất bánh gai nằm trên dốc Dừa (tuyến quốc lộ 7, nối các huyện Tây Nam Nghệ An với TP Vinh) và chính tên gọi này đã trở thành thương hiệu của bánh gai Tường Sơn. Trung bình mỗi ngày các cơ sở sản xuất bánh gai bán ra thị trường cả nghìn chiếc, mùa cao điểm thì nhiều hơn. Do vậy, nghề thủ công truyền thống này luôn có nhu cầu về lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo ông Nguyễn Tài Quý, hiện xã đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng nguyên liệu cho sản xuất bánh gai như trồng chuối và cây gai bản địa. Ngoài chủ động nguồn nguyên liệu, mở rộng diện tích sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương hơn. Cùng với việc xây dựng thương hiệu cho bánh gai xứ Dừa, xã cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là lao động nông nhàn ở địa phương trong thời gian tới.