Tài xế mày mò làm món cơm cháy, thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Từ cuộc sống cơ cực, tài xế xe khách Tôn Thất Phú (Gia Lai) đã mày mò làm ra món cơm cháy. Vượt khó khăn, anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng với món ăn vặt nức tiếng phố núi Gia Lai.
Anh Tôn Thất Phú (56 tuổi, ở TP Pleiku, Gia Lai) sinh ra trên mảnh đất Cố đô Huế. Vì cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ anh Phú phải "tha hương cầu thực" ở TPHCM. Cuộc sống anh là chuỗi ngày cơ cực với nghề tài xế xe khách vào những năm 1980.
Trong một lần vào nhà người bạn ở TPHCM chơi, anh chứng kiến người bạn đi khắp các quán để mua cơm rồi về làm món cơm cháy. Món này ăn này ngon và đắt khách.
Chính vì vậy, anh Phú luôn ấp ủ muốn đưa món cơm cháy này về kinh doanh tại Gia Lai. Anh quyết định đi học một lớp Công nghệ thực phẩm để nghiên cứu làm món cơm cháy hợp vệ sinh, an toàn, phù hợp với khẩu vị của người Gia Lai.
Từ một quán ăn vặt nhỏ, anh Phú gây dựng thành một cơ sở sản xuất cơm cháy với lượng khách mua nườm nượp. Để có nguyên liệu, anh phải rong ruổi khắp các nhà hàng, khách sạn để thu mua lại cơm. Sau đó, anh thuê nhân công phơi thủ công trên mái nhà.
Cơm cháy làm ra ngon luôn phải phụ thuộc vào thời tiết. Trời nắng thì cơm đẹp, giòn, ngon, còn bóng râm thì chất lượng giảm sút. Nếu không may gặp trời mưa coi như sản phẩm hỏng.
"Khổ nhất là những tháng mùa mưa, cơm không thể phơi được. Nhiều lúc đang nắng thì trời mưa lớn. Lúc đó, mưa đã cuốn đi hàng chục tạ cơm cháy mới mua về. Đồng thời, lượng cơm mùa mưa cũng rất khan hiếm khiến việc kinh doanh không thể hoạt động được", anh Phú trăn trở.
Trước những khó khăn đó, anh Phú đã nhiều "đêm trắng" suy nghĩ, nghiên cứu, tìm ra loại gạo ngon để tự chủ nguồn nguyên liệu cho món cơm cháy. Theo đó, việc kinh doanh trôi chảy hơn. Anh cũng thay đổi từ cách phơi cơm thủ công sang sấy cơm bằng máy.
Nhờ việc làm tài xế xe khách nhiều năm, có cơ hội đi nhiều nơi, anh Phú đang không ngừng nghiên cứu, chế tạo ra loại máy sấy cơm và máy tẩm ướp. Những máy móc anh chế tạo ra đã giúp cho cơm sấy được sản xuất hàng loạt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trước kia, mỗi ngày anh Phú chỉ làm hết khoảng vài chục kg gạo trong một gian bếp nhỏ. Với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, việc kinh doanh của anh lớn mạnh.
Những năm 2010-2015 là thời kỳ hoàng kim của cơ sở sản xuất cơm cháy do anh Phú làm chủ. Mỗi ngày, anh xuất bán hàng tấn cơm cháy đi khắp các tỉnh, thành. Sản phẩm của anh không chỉ được bày bán ở nhiều sạp hàng địa phương mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành khác, có mặt ở nhiều siêu thị lớn. Cơ sở sản xuất doanh thu khoảng gần một tỷ đồng mỗi tháng.
Để cạnh tranh, anh Phú không ngừng mày mò tìm ra những hương vị hấp dẫn thực khách. Đến nay, anh đã tạo 10 dòng sản phẩm cơm cháy với các hương vị như cơm cháy dăm bông, vị tôm, cua, rong biển…
Cơ sở sản xuất của anh Phú đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động tại chỗ với thu nhập hàng tháng bình quân mỗi người từ 5 triệu đồng trở lên.
Gần 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu giảm còn khoảng 500 triệu đồng/tháng. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng đã xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất cơm cháy nên cuộc cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn.
"Tình hình kinh tế chung đều khó khăn. Do tuổi cũng lớn tôi cũng không dám mở rộng việc kinh doanh. Tôi chỉ muốn tiếp tục giữ vững giá trị sạch, an toàn và ra đúng loại cơm cháy ngon để dành tặng cho những người dân phố núi", anh Phú chia sẻ.