Gia Lai:
Bỏ trồng mì, người dân nghèo kiếm 150 triệu đồng/vụ từ loài cá thác lác
(Dân trí) - Với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân vùng khó huyện Phú Thiện, Gia Lai đã mày mò nuôi mô hình cá thác lác. Chỉ gần một năm, mỗi hộ đã thu lãi về gần 150 triệu đồng.
Từ xưa nay, người dân trên mảnh đất Phú Thiện (Gia Lai) đã quen với nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Ayun Hạ. Trải qua thời gian, lượng cá bắt được cũng ít dần. Người dân trên địa bàn phải sống dựa vào cây sắn trên mảnh đất cằn.
Nhằm tạo điều kiện tạo điều kiện cho người dân phát triển thương hiệu cá thác lác, huyện Phú Thiện đã hỗ trợ bà con xây dựng mô hình nuôi cá thác lác.
Theo đó, từ năm 2019, với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đã phối hợp với 12 hộ dân trên địa bàn nuôi thí điểm mô hình nuôi khoảng 12.000 con cá thác lác cườm.
Cụ thể, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 100% cá giống nuôi trong 1.000 m2. Đồng thời, HTX hướng dẫn kỹ thuật nuôi và ký kết bao tiêu sản phẩm cá thác lác thương phẩm cho người dân với giá 70.000 đồng/kg. Thời gian nuôi mỗi lứa từ 8-12 tháng.
Ông Tống Văn Hiền (xã Ia Sol, Phú Thiện) cho hay: "Đây là mô hình mới nên người dân còn e ngại. Trước sự bảo đảm về đầu ra, kỹ thuật, tôi mạnh dạn đi đầu nuôi thử mô hình cá thác lác cườm. Thời gian nuôi mỗi lứa cá thác lác là từ 8-12 tháng, nuôi càng lâu cá càng tăng trọng và lãi sẽ cao hơn. Khi cá đạt trọng lượng hơn 400g/con là có thể thu hoạch. Năng suất mỗi lần thu hoạch đạt hơn 4 tấn cá thác lác thương phẩm/1.000 m2".
Với sự liều lĩnh đó, sau gần một năm, gia đình ông Hiền đã thu về 2,5 tấn cá và đều được HTX thu mua với giá 70.000 đồng/kg như cam kết ban đầu. Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông lãi về hơn 150 triệu đồng. So với trồng cây mì trên mảnh đất cằn thì việc nuôi cá thác lác đã giúp gia đình ông lãi gấp chục lần.
"Ngoài sử dụng thức ăn tự nhiên dưới ao, tôi có thể tận dụng xương, da, đầu của con cá sau khi chế biến chả cá để trộn với cám cho cá ăn. Trong quá trình nuôi phải phòng bệnh định kỳ cho cá và xử lý nguồn nước để giúp cá khỏe mạnh. Hiện tôi đang tiếp tục chọn cá giống và vệ sinh ao để nuôi vụ mới", ông Hiền phấn khởi nói.
Ông Đặng Đức Hiệp - Giám đốc HTX chia sẻ: "Ban đầu, HTX đã thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản như cá lóc, cá chép… Nhưng không phát triển lâu dài, giá cả bấp bênh. Điều này khiến các hộ dân trong HTX cũng lao đao vì không đủ kinh phí chăm sóc, năng suất thì lại không cao".
Từ nguồn vốn của Chương trình Nông thôn mới, HTX đã mạnh dạn cùng với bà con mày mò để mang mô hình nuôi cá thác lác cườm về nuôi. Trước khi triển khai mô hình, HTX đã cùng với người dân thành viên nghiên cứu tài liệu, sách báo và đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá thác lác ở nhiều nơi.
Ông Đặng Đức Hiệp chia sẻ: "HTX triển khai mô hình nuôi cá thác lác này vì giống cá này có sức đề kháng cao, ít nhiễm bệnh, dễ chăm sóc, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, ao, hồ nước ở nơi đây rất tốt cho giống cá thác lác sinh sống. Ngoài ra muốn tạo điều kiện cho các hộ dân tăng gia sản xuất, giúp nhiều gia đình thoát nghèo".
Trong năm 2020 - 2021, HTX đã thu mua hơn 18.000 con cá thác lác với số lượng khoảng 7 tấn cho người dân trong mô hình. Sau khi mua cá về, HTX sẽ chế biến thành chả cá thác lác và đóng gói để cung cấp ra thị trường.
Hiện sản phẩm chả cá thác lác của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nâng tầm chất lượng và đầu tư máy móc, phấn đấu đạt sản phẩm 4 sao, 5 sao.
"HTX đã sử dụng hết 3 tấn làm chả cá thác lác, còn lại HTX đang nuôi tại hồ để đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi, thơm ngon khi chế biến. Trung bình một kg chả cá thác lác sẽ có giá 230.000 đồng/kg. Với giá trị như vậy, chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng huyện Phú Thiện thành vùng nguyên liệu cá thác lác để làm chả phục vụ cho trong và ngoài tỉnh", ông Hiệp, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ cho hay.
Với giá bán chả cá thác lác là 230.000 đồng/kg, HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đã cung cấp ra thị trường mỗi tháng khoảng 3 tấn chả cá thác lác. Thị trường tiêu thụ chả cá thác lác mạnh nhất là các nhà hàng, cơ sở tiệc cưới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngoài ra còn có các tỉnh khác như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,..
Theo ông Phan Văn Vinh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: "Nhiều năm qua, trung tâm đã hỗ trợ nhiều cho nhiều hộ dân nuôi cá thác lác. Chúng tôi đã chỉ đạo để HTX nhân rộng mô hình cho người dân trên địa bàn. Qua đó, cam kết để HTX thu mua cá thác lác của các hộ dân, để làm chả cá thác lác góp phần mang thương hiệu phát triển hơn nữa".